Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 có 95% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình số 58-CTr/TU ngày 07/4/2023 của Tỉnh ủy về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Theo đó, Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể:
Đến năm 2025: Hoàn thành việc lập các đề án có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến nước trên địa bàn tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện; 100% hộ gia đình ở thành thị và 55% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 95% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; đảm bảo nước tưới cho 85% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, đặc biệt khu vực phía Bắc tỉnh (gồm các huyện: Đắk Mil, Cư Jút và Krông Nô); cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng phòng, chống lũ theo thiết kế.
Đến năm 2030: Cơ bản cân đối đủ nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; đảm bảo cấp nước tưới cho 87,5% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình đập, hồ chứa nước; sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ, đảm bảo năng lực an toàn hồ đập theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; thực hiện quản lý không để tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại một số lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi lớn; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát nguồn nước trên các sông suối, hồ đập.
Đến năm 2045: Chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu 100% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh giao các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước, trong đó tập trung các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
(1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới;
(2) Hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước;
(3) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước;
(4) Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và điều tra cơ bản;
(5) Nâng cao năng lực tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh;
(6) Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước;
(7) Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu;
(8) Nâng cao chất lượng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước;
(9) Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thuỷ, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước;
(10) Tăng cường hợp tác, ngoại giao với các đối tác quốc tế và các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam;
(11) Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ở các hồ chứa nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chi tiết Kế hoạch tại đây./.
Tiến Đạt