UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu phát triển KTTT, HTX nông nghiệp được xuất phát từ nhu cầu chung, thực tế của các thành viên trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; theo đúng các giá trị và nguyên tắc cơ bản của HTX nông nghiệp, đồng thời có tác động trực tiếp đối với thành viên HTX, THT nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; phát triển đồng thời số lượng và chất lượng của các thành phần KTTT, tạo nền tảng trong hoạt động phát triển lâu dài; tạo doanh thu, thu nhập ổn định cho HTX, Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp và các thành viên, đẩy mạnh cạnh tranh sản phẩm, thúc đẩy hợp tác phát triển, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập và đời sống cho các thành viên.
Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển KTTT, HTX nông nghiệp năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của KTTT, HTX nông nghiệp. Thu hút đại bộ phận nông dân tham gia HTX nông nghiệp và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX nông nghiệp. Tăng cường hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức KTTT, HTX nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu. Các mục tiệu cụ thể:
(1) Thành lập mới 15 HTX nông nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 218 HTX nông nghiệp với tổng số thành viên khoảng 4600 thành viên; tổng số lao động khoảng 4300 người; doanh thu bình quân mỗi HTX nông nghiệp khoảng 1.550 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã khoảng 80 triệu đồng/người/năm.
(2) Số HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm khoảng 10% /tổng số HTX nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
(3) Hỗ trợ 14-17 HTX nông nghiệp đạt chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (Viet GAP, Viet GAHP, hữu cơ, RA,…, chứng nhận chất lượng (HACCP, ISO....), thiết kế mẫu bao bì, truy xuất nguồn gốc.
(4) Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX nông nghiệp, phấn đấu có 45% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; xây dựng khoảng 2-3 mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
(5) Lựa chọn, hỗ trợ, nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hiệu quả tại các địa phương.
(6) Tổ chức cho các HTX, THT nông nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, hội nghị quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của tỉnh qua đó kết nối cung - cầu giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
(7) Duy trì, củng cố và nâng cao hoạt động cho các HTX nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; đồng thời xử lý dứt điểm tình trạng các HTX nông nghiệp không hoạt động và các HTX nông nghiệp chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã; tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các HTX nông nghiệp.
Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Ngân sách tỉnh; Lồng ghép từ các chương trình, đề án khác và đối ứng của Hợp tác xã.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Kế hoạch, theo dõi, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện.
Chi tiết Kế hoạch tại đây./.
Tiến Đạt