Thú vị nơi Thác Ðắk Glun
Lượt xem: 20287
Thác Đắk Glun nằm ở hướng Tây tỉnh Đắk Nông. Đến tham quan thác, du khách có thể đi bằng nhiều phương tiện cơ giới khá thuận tiện.

Đắk Glun là tên của ngọn thác nằm trên lưu vực suối Đắk Glun thuộc thôn 5, xã Quảng Tâm (Tuy Đức). Tên gọi này bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian của người M’nông bản địa. Người M’nông gọi thác này là Leng Rlu. Leng có nghĩa là thác đá, thác nước, Rlu có nghĩa là nghỉ ngơi. Leng Rlu có ý nghĩa là nơi nghỉ ngơi (thác nghỉ ngơi). Từ xưa đến nay, người M’nông bản địa vẫn quen gọi là thác Đắk Glun, gọi theo tên dòng suối đổ xuống thác.

Theo một số người già dân tộc M’nông cư trú lâu đời ở miền đất này kể rằng: Ngày xưa, khi núi rừng còn âm u, rậm rạp, bon này cách bon khác đi mấy ngày đường mới đến nhau được. Khu vực thác hiện nay, trước đây là bon Bu Nơr của người M’nông, bon có khoảng vài chục hộ sinh sống gần thác nước lớn ngày đêm đổ nước ầm ầm trắng xóa cả một vùng.

                                           

Anh-tin-bai

Thác Đắk Glun nhìn từ trên cao (ảnh: Ngô Minh Phương)

Tương truyền rằng thác nước này có một trái tim rất lớn (cao gần 1m, đường kính khoảng 60cm, hình quả trám) gắn liền với gờ đá ngay dưới dòng nước chảy. Chính nhờ có trái tim thác đập ngày đêm nghe như tiếng sấm động nên dù dân làng trong bon có đi xa hay bị lạc ở đâu trong rừng sâu cũng lần theo tiếng nhịp đập của trái tim thác mà trở về được. Dân làng Bu Nơr rất quý, coi đó là vật thiêng liêng cần gìn giữ và bảo vệ. Bon làng đã cử một người đàn ông tên là Điểu Glu, là người có vai vế trong bon đứng ra chịu trách nhiệm trông coi thác. Nhưng sau đó, do ông Điểu Glu mắc nợ dân làng quá nhiều nên đã bị dân làng bán đi nơi khác để trừ nợ, nơi ấy cách bon làng xa lắm phải đi bộ xuyên rừng cả tháng trời mới tới nơi được. Ở nơi xa, ông Điểu Glu vẫn nghe tiếng nhịp đập của trái tim thác. Nỗi nhớ quê hương, nhớ bon làng, nhớ thác nước trong ông bừng lên mãnh liệt. Không cưỡng lại được, ông đã bỏ trốn khỏi nơi bị bán và băng rừng lội suối suốt 3 - 4 tháng trời lần theo tiếng đập tim thác, cuối cùng ông cũng về được bon làng mình. Người dân trong bon lấy làm lạ liền hỏi: “Tại sao mày trở về được?”. Điểu Glu nói: “Tao nghe thấy tiếng đập trái tim của thác nên về được!”. Những nguời mua Điểu Glu phát hiện ông bỏ trốn đã nổi giận đưa nhiều người đến bon Bu Nơr đòi bắt Điểu Glu và đánh cắp tim thác mang về để Điểu Glu không có đường trở về nữa. Trái tim thác bị đập vỡ rơi xuống dòng suối. Cả trăm người xúm vào khiêng nhưng kỳ lạ thấy đi được vài bước thì đoàn người ngã lăn ra chết, một trăm người khác vào thay cũng chết, cứ thế hàng trăm, hàng ngàn người nối tiếp nhau, họ khiêng tim thác đến một bãi đá dài trên một quả đồi trọc (thuộc địa bàn xã Đắk Buk So ngày nay) thì không còn một ai sống sót nên trái tim thác bị bỏ lại ở đó.

Một góc thác Đắk Glun. Ảnh: Ngô Minh Phương

Từ khi trái tim thác bị mất, người dân không còn nghe tiếng đập phát ra từ thác nước nữa, chỉ vào mùa mưa khi nuớc lớn ở gần mới nghe thấy. Không những thế, bờ đá xung quanh thác cũng bị sụp xuống dần từng khối lớn. Dân làng bon Bu Nơr thấy vậy rất sợ hãi, cho là thần linh nổi giận nên làm lễ cúng thác, bao gồm một con trâu đực 30 năm tuổi và một ché rượu Rlung to. Sau khi cúng xong thì đá ở thác mới thôi không sụp nữa và giữ nguyên như thế cho đến ngày nay.

Thác Đắk Glun là danh thắng có từ thời xa xưa, là nơi gắn liền với bao thế hệ người M’nông, nơi họ được sinh ra và lớn lên, nơi gắn liền với những truyền thuyết dân gian, thể hiện tâm tư tình cảm, phong tục tập quán, những luật tục, những giá trị truyền thống của cư dân bản địa. Thác là nơi có phong cảnh được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng vẻ đẹp lộng lẫy, nhiều tiềm năng các loại hình du lịch sinh thái có thể sử dụng để tổ chức, như các loại hình hoạt động thể thao leo núi, cắm trại và sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người bản địa khá lý tưởng. Ngoài ra, đó còn là địa điểm để bảo tồn các loại gen động vật, thực vật quý hiếm, là nơi để các nhà nghiên cứu quan tâm về vấn đề môi trường, về truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội...

Hiện nay thác Đắk Glun, đã được doanh nghiệp khai thác du lịch đầu tư cơ sở hạ tầng với các hạng mục như đường tỉnh lộ 6 đi vào thác, bãi đỗ xe, hội trường, chòi nghỉ dưỡng, bể bơi và các loại dịch vụ giải trí khác,….từ đó đã thu hút lượng khách lữ hành lớn trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Để thác Đắk Glun là điểm đến hấp dẫn, trong thời gian tới cần phát triển các dịch vụ chất lượng cao, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, mở thêm các loại hình du lịch mới phù hợp phát triển của vùng để đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng cho du khách.

Từ TP. Gia Nghĩa đến thác Đắk Glun có thể đi theo hai hướng chính. Hướng thứ nhất, từ TP. Gia Nghĩa đi theo quốc lộ 14 hơn 20km theo hướng đi TP. Hồ Chí Minh, đến thị trấn Kiến Đức rẽ phải khoảng 35 km theo đường tỉnh lộ 6 đi xã Đắk Buk So (Tuy Đức), đến ngã ba bãi 2 rẽ trái khoảng 1 km đến đường nội bộ dẫn xuống thác. Hướng thứ hai từ TP. Gia Nghĩa đi theo quốc lộ 14 khoảng 28 km về hướng Buôn Ma thuột (Đắk Lắk) tới ngã ba cầu 20 rẽ trái khoảng 32 km theo đường tỉnh lộ 6 đi xã Quảng Tâm (Tuy Đức) là tới điểm thác Đắk Glun.

 

Theo báo Đăk Nông điện tử

Đánh giá - Nhận xét

1
1 Nhận xét
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 1
Đắk Nông 26° - 27° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1