Xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, giúp tăng thu nhập, hình thành tư duy sản xuất bền vững cho người dân
Cách đây 3 tháng, gia đình chị Thị Byul, người dân tộc M’nông, bon Bu Sóp, xã Quảng Trực, bất ngờ khi con bò giống đã sinh ra một cặp bê. Con bò giống của chị được hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia cách đây 1 năm.
Đàn bò của gia đình chị Thị Byul, người dân tộc M’nông ở bon Bu Sóp, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông)
Đây là trường hợp hiếm gặp trong chăn nuôi bò, khiến cả bon Bu Sóp rộn ràng chia vui cùng gia đình chị Thị Byul. Là hộ nghèo, gia đình chị Thị Byul sống nhờ 650 cây cà phê nhưng vì thiếu vốn đầu tư nên thu nhập bấp bênh.
Từ khi được hỗ trợ bò, chị không chỉ có thêm tài sản mà còn tận dụng được nguồn phân chuồng ủ vi sinh để bón cho cà phê. Điều này giúp cà phê phát triển tốt hơn, tiết kiệm chi phí và cải thiện năng suất.
Tương tự, năm 2023, gia đình chị Thị Nghinh, người dân tộc M’nông, bon Bu Lum, xã Quảng Trực, được hỗ trợ một con bò từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đây là tài sản có giá trị lớn đối với hộ nghèo như chị. Sau thời gian chăm sóc, bò đã sinh được một con bê khỏe mạnh. Chị chia sẻ, gia đình chủ yếu sống nhờ vào 4 sào cà phê và đi làm thuê nên nguồn thu nhập bấp bênh.
Từ khi có bò, gia đình có thêm phân chuồng để bón cho cà phê, giảm chi phí đầu tư. "Con bò này như một nguồn vốn dài hạn. Chúng tôi trân trọng lắm", chị Thị Nghinh tâm sự.
Xã Quảng Trực có hơn 47% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2022 - 2024, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã triển khai hàng chục dự án phát triển sản xuất cho hộ nghèo, tập trung chủ yếu vào hỗ trợ bò cái lai Sind sinh sản và gà lai chọi.
Tổng cộng, có 310 con bò, gần 6.400 con gà giống đã được xã cấp phát, hỗ trợ đến tận tay người dân thuộc diện nghèo, cận nghèo hoặc mới thoát nghèo.
Xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) phát triển các mô hình chăn nuôi bò để giúp người dân thoát nghèo
Việc hỗ trợ vật nuôi không chỉ dừng lại ở khâu cấp phát, mà được tổ chức bài bản từ khảo sát nhu cầu, họp bon, chọn hộ dân phù hợp, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, xây dựng mô hình quay vòng vốn…
Chính điều này giúp người dân chủ động tiếp cận và làm chủ mô hình, từng bước thoát khỏi thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật và hướng tới bền vững.
Ông Đoàn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, điểm sáng của các chương trình hỗ trợ là giúp người dân hình thành tư duy sản xuất, biết trân trọng vật nuôi như một tài sản đầu tư.
Ngoài cung cấp con giống, vật tư, xã còn tổ chức cho các hộ được tham gia học tập kỹ thuật, tính toán hiệu quả chăn nuôi. Đây là những bước khâu quan trọng để người dân làm kinh tế một cách chủ động hơn.
Để nâng cao hiệu quả của việc hỗ trợ, sau khi cấp giống, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát, nhắc nhở và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho người dân.
UBND huyện Tuy Đức đánh giá, qua hơn 3 năm triển khai, các dự án hỗ trợ vật nuôi tại xã Quảng Trực đã mang lại nguồn thu nhập thiết thực cho người dân.
Thành công của các dự án còn là bước khởi đầu giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Gần 6.400 con gà giống đã được xã Quảng Trực hỗ trợ người dân thuộc diện nghèo, cận nghèo hoặc mới thoát nghèo
Từ kết quả thực tiễn tại Quảng Trực cho thấy, nếu được hỗ trợ đúng cách, người dân tộc thiểu số hoàn toàn có thể phát huy nội lực, làm chủ sinh kế và tương lai của mình.
Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở huyện biên giới Tuy Đức, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đã có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Theo Báo Đắk Nông điện tử