Hiện thực giấc mơ an cư
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã, đang được thực hiện theo phương châm: Nhà nước hỗ trợ một phần, cộng đồng góp sức, hộ gia đình tự xây dựng. Nhờ chính sách này, nhiều hộ gia đình từ chỗ không có nhà ở hoặc nhà tạm bợ nay có nhà ở khang trang, ổn định cuộc sống.
Ngoài 80 tuổi, ước mơ về một ngôi nhà xây kiên cố của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh, xã Krông Nô (trước đây là xã Đắk D’rô) đã trở thành hiện thực. Căn nhà mới với 1 phòng khách, 1 phòng bếp và 2 phòng ngủ đang được xây dựng hoàn thiện nhờ một phần kinh phí từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Bà Thanh cho biết, hoàn cảnh của gia đình khá đặc biệt. Cả hai vợ chồng đã lớn tuổi, sức khoẻ yếu và nuôi thêm một người con bị khuyết tật. Ngoài 60 triệu đồng được tỉnh hỗ trợ, trước đó bà còn được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Nô hỗ trợ thêm 10 triệu đồng để xây được nhà. Trong quá trình thi công, họ hàng, con cháu đã hỗ trợ thêm vật liệu, ngày công xây dựng, giúp căn nhà thêm khang trang, kiên cố.
Bà Thanh xúc động chia sẻ: “Với người già như chúng tôi, có được một mái nhà vững chắc để che nắng, che mưa là điều quý giá nhất. Khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ xây nhà, tôi vui đến mất ngủ. Giờ đây, nhìn căn nhà khang trang đã hoàn thiện, lòng tôi nhẹ nhõm, ấm áp lắm. Có chỗ ở ổn định, cuộc sống đỡ lo toan hơn nhiều”.

Căn nhà mới của chị Trương Thị Lục Thủy, thôn Cao Sơn, xã Nam Đà được hỗ trợ kinh phí để xóa nhà tạm
Chị Trương Thị Lục Thủy, thôn Cao Sơn, xã Nam Đà (Lâm Đồng) có 4 người con thì 2 con bị khuyết tật nặng. Căn nhà gỗ xuống cấp, mục nát, không bảo đảm an toàn cho các con nên mong muốn lớn nhất của gia đình chị là có một mái nhà kiên cố.
Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, gia đình chị Thủy được hỗ trợ kinh phí để xóa nhà tạm.
Ngoài số tiền vợ chồng tích góp, gia đình chị Thủy còn vay thêm tiền từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để xây nhà. Căn nhà mới không chỉ giải quyết nhu cầu bức thiết về chỗ ở mà còn là động lực để gia đình phấn đấu có một cuộc sống đủ đầy, đàng hoàng hơn.

Hộ dân xã Tuy Đức (tỉnh Lâm Đồng) nhận nhà mới được xây dựng từ nguồn kinh phí do Bộ Công an hỗ trợ
Chia sẻ niềm vui khi được về ở trong căn nhà mới, chị Thủy xúc động: “Sau khi xây nhà, các cháu có chỗ ở an toàn, vợ chồng tôi cũng vơi bớt một gánh nặng trong lòng. Vợ chồng tôi đang cố gắng làm việc hàng ngày, tích góp tiền để sớm trả hết nợ, thoát nghèo trong năm 2025”.
Gỡ rối thủ tục, đẩy nhanh tốc độ
Tính đến hết tháng 6/2025, tỉnh Lâm Đồng mới (gồm ba tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận cũ) đã triển khai xây dựng và sửa chữa gần 5.000 căn nhà cho các hộ dân gặp khó khăn về nhà ở. Đây là kết quả tích cực bước đầu trong quá trình thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai chương trình vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Một trong những trở ngại lớn là tình trạng thiếu nhân công xây dựng, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa. Giá vật liệu tăng cao cũng gây áp lực không nhỏ, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ngoài ra, nhiều hộ nghèo không đủ khả năng đối ứng thêm kinh phí xây dựng, khiến việc hoàn thiện nhà ở gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai như không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không chính chủ, nằm trong vùng quy hoạch hoặc không phù hợp mục đích sử dụng… cũng là những yếu tố trực tiếp làm chậm tiến độ hỗ trợ nhà ở cho người dân.

Các địa phương đang tăng tốc phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 31/8/2025
Ông Đoàn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (Lâm Đồng) cho biết, do vướng thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch và tâm lý ngại đi làm các thủ tục, giấy tờ nên việc hỗ trợ đất ở, nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế đó, xã Quảng Sơn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân. Trong đó, các đối tượng thuộc diện khó khăn về nhà ở nhưng chưa có đất, hoặc đất chưa đủ điều kiện để làm nhà, chính quyền vận động người thân cho, tặng hoặc bán với giá thấp. Sau đó, xã phối hợp các đơn vị liên quan, hỗ trợ, hoàn thiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, hỗ trợ về đất ở, nhà ở theo quy định.
“Song song với việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai đồng bộ. Để mục tiêu hoàn thành sớm chương trình, địa phương đang tiếp tục huy động các lực lượng, cùng chung tay, góp sức xây dựng nhà ở cho người dân”, ông Đoàn Văn Phương nói.

Tỉnh Đắk Nông (cũ) tiếp nhận kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ)
Bên cạnh những nỗ lực từ chính quyền địa phương, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát còn nhận được sự đồng hành tích cực của các tổ chức hội, đoàn thể. Tại nhiều địa phương, các tổ chức này đã chủ động vận động thêm nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhằm hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, phù hợp với điều kiện sinh hoạt thực tế.
Không chỉ có sự đóng góp về vật chất, chương trình còn thu hút sự tham gia của lực lượng đoàn viên thanh niên với tinh thần xung kích, tình nguyện. Hàng trăm lượt đoàn viên đã trực tiếp tham gia hỗ trợ ngày công lao động, vận chuyển vật liệu, san lấp nền móng... qua đó góp phần rút ngắn thời gian thi công và giảm đáng kể chi phí xây dựng nhà cho người dân.
Tiêu biểu trong phong trào này là lực lượng dân quân tự vệ xã Thuận An (Lâm Đồng), với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết. Anh Hà Văn Đông, Dân quân thường trực xã Thuận An cho biết: “Hưởng ứng phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, lực lượng dân quân xã đã trực tiếp tham gia xây dựng nhà cho người dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều nỗ lực hoàn thành căn nhà trong thời gian sớm nhất, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người sử dụng.”
Những đóng góp thiết thực, từ vật chất đến nhân lực, đã và đang tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, mang lại chỗ ở an toàn, ổn định cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Tính đến hết tháng 6/2025, tỉnh Lâm Đồng mới (gồm 3 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận cũ) đã triển khai xây dựng, sửa chữa gần 5.000 căn nhà cho hộ dân gặp khó khăn về nhà ở. Hiện nay, các ngành, địa phương đang tăng tốc, tập trung toàn lực, huy động mọi nguồn lực xã hội, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 31/8/2025.
Theo Báo Lâm Đồng điện tử