Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy “núp bóng”
Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138) vừa có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy “núp bóng”.
Năm 2023, tình hình mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thảo mộc … và “bóng cười” diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 03 vụ 07 đối tượng phạm tội mua bán trái phép chất ma túy “núp bóng” bánh kẹo, thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, thảo mộc và sản phẩm chức năng chăm sóc, làm đẹp. Các đối tượng phạm tội nhắm đến chủ yếu là các em học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên ở độ tuổi dễ bị lôi kéo, còn thiếu hiểu biết pháp luật và tìm mọi cách để đưa ma túy vào trường học bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế hệ trẻ, tương lai của đất nước. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán, sử dụng “bóng cười” đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và nhạy cảm về an ninh, trật tự như karaoke, pub, lounge, nhà nghỉ, khách sạn…
Trước tình hình trên, để chủ động nắm tình hình, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm ma túy “núp bóng” và các hành vi vi phạm liên quan đến“bóng cười” trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; Ban Chỉ đạo 138 đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
Tổ chức quán triệt, thông báo sâu rộng đến tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, đơn vị nhận biết, nắm rõ về loại tội phạm liên quan đến ma túy “núp bóng”, “bóng cười”. Tiếp tục thực hiện các nghiêm túc chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống ma túy. Chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy “núp bóng”, và tình trạng sử dụng “bóng cười”.

Tăng cường tuyên truyền về tác hại của ma túy, cách nhận biết các loại ma túy “núp bóng” và “bóng cười”… nhất là đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao, học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên. Lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy vào chương trình, kế hoạch của đơn vị. Phát động quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về tội phạm ma túy nói chung, ma túy “núp bóng” nói riêng để kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, siết chặt công tác quản lý đối tượng, quản lý địa bàn, phòng ngừa từ sớm, từ trước đối với các loại tội phạm, tệ nạn ma túy, ma túy “núp bóng” và các hành vi vi phạm liên quan đến “bóng cười”. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm “nguồn cầu” ma túy, tập trung vào công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, hạn chế tới mức thấp nhất số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy phát sinh mới, nhất là cán bộ, công chức làm việc trong các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên trong các nhà trường; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm, kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là với các vi phạm liên quan đến ma túy, các vi phạm dễ nhận thấy hoặc kéo dài như: hoạt động quá giờ quy định, hoạt động không có giấy phép, mua bán, sử dụng “bóng cười”…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các cơ quan, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh các loại hình bar, pub, lounge, nhà hàng ăn uống có biểu diễn nghệ thuật … có sử dụng âm thanh, ánh sáng, quy mô lớn, đủ điều kiện đăng ký dịch vụ vũ trường thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định về lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện ma túy sau cai nghiện. Tích cực triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng ngừa nghiện ma túy, cai nghiện ma túy, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ sau cai.
Sở Y tế quản lý và kiểm soát việc sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất sử dụng trong sản xuất dược và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật; bố trí các điều kiện cần thiết đảm bảo phục vụ có hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người bị ngộ độc do sử dụng chất ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử và “bóng cười”.
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, sử dụng tiền chất ma túy trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyền truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; đồng thời, tăng cường phối hợp nắm tình hình các bài viết, trang cá nhân, hội nhóm trên các mạng xã hội (như zalo, facebook, telegram…), kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi mua bán, trao đổi, giao dịch các loại ma túy “núp bóng”, “bóng cười” trên không gian mạng.
Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh báo về hiểm họa, tác hại của ma túy, cách nhận biết các loại ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử và “bóng cười” cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Cục Quản lý thị trường tổ chức rà soát, kiểm tra các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh các loại ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử và “bóng cười”.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức thông báo, quán triệt đến tận xã, phường, thị trấn về thông tin, đặc điểm của tội phạm ma túy “núp bóng” và “bóng cười” để phục vụ công tác đấu tranh, phòng ngừa ngay từ cơ sở. Tăng cường công tác nắm tình hình, triển khai có hiệu quả các mặt công tác, quản lý đối tượng, quản lý địa bàn, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ma túy “núp bóng”, ma túy trong các cơ sở giáo dục và các hành vi vi phạm liên quan đến “bóng cười”.
B.V