Trước tình hình đó, để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra, ngày 19/11/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Kế hoạch với mục đích chủ động nắm bắt tình hình thời tiết để triển khai kịp thời các phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn nước, lương thực phục vụ dân sinh, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; chủ động huy động mọi nguồn lực để phục vụ công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả. Chủ động điều tiết, dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân; tổ chức sản xuất, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với khả năng cung cấp nước đảm bảo phục vụ sản xuất trong mùa khô.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, thực hiện công tác ứng phó với hạn hán theo nguyên tắc: Ưu tiên nguồn nước sinh hoạt phục vụ nhân dân, nước phục vụ cho chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; khuyến cáo nhân dân không sản xuất ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và trồng các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước; sử dụng kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn hán đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy định. Theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra cụ thể nguồn nước, xác định vùng đảm bảo nước, vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước, chủ động điều tiết hợp lý và điều chỉnh lịch thời vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất mùa khô.
Các biện pháp phòng, chống hạn
Đối với sản xuất nông nghiệp
Các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi xây dựng phương án chống hạn cụ thể trên địa bàn, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn để kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn thích hợp, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất do hạn hán gây ra.
Kiểm tra, cập nhật, đánh giá cụ thể nguồn nước các sông, suối, hồ, đập,... khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, thường xuyên bị hạn và những diện tích cây trồng không đủ nước, chủ động trồng các loại cây trồng phù hợp; xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng nguồn nước, trong đó ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Khuyến cáo nhân dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước; khuyến khích áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (như: tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt).
Hướng dẫn người dân dự trữ nước uống cho đàn gia súc, vật nuôi; các biện pháp vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại, phòng ngừa các loại dịch bệnh thường xảy ra đối với gia súc, gia cầm trong mùa khô; các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán trong lĩnh vực thủy sản, theo dõi tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước (nhiệt độ, Ph,…) để khuyến cáo người dân sản xuất cho phù hợp; hướng dẫn người dân bố trí thời vụ nuôi thủy sản theo tình hình thực tế.
Đối với cấp nước sinh hoạt
Các cơ quan, đơn vị cấp nước phải có kế hoạch cấp nước cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô, đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng phục vụ, trong đó cần chú trọng các giải pháp trọng tâm như: thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng các hệ thống cấp nước tại các nhà máy nước; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng kịp thời khắc phục những hư hỏng trên tuyến, đảm bảo vận hành các nhà máy nước liên tục phục vụ sinh hoạt cho nhân dân; tăng dung tích các ao, hồ chứa nước thô nhằm tăng lượng dự trữ nước để phục vụ cho công tác vận hành cấp nước. Đẩy nhanh tiến độ thi công mở mạng các hệ thống cấp nước, tiến độ lắp đặt đồng hồ nước để kịp thời phục vụ nhân dân. Tăng cường các phương tiện vận chuyển để cấp nước, không để thiếu nước sinh hoạt và bùng phát dịch bệnh do hạn hán gây ra.
Biện pháp công trình
Tổ chức kiểm tra hiện trạng các công trình thuỷ lợi, triển khai sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế máy móc và các thiết bị hư hỏng, nạo vét khơi thông dòng chảy kênh mương, cửa vào cống lấy nước, cửa vào các bể hút trạm bơm, sửa chữa khắc phục kịp thời các vị trí hư hỏng kênh, công trình trên kênh đảm bảo không để thất thoát, lãng phí nguồn nước.
Khẩn trương hoàn thành các công trình đang triển khai đầu tư xây dựng mới và các công trình đầu tư nâng cấp, sửa chữa để đưa vào sử dụng hiệu quả, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh.
Chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến, bơm tận dụng dung tích nước chết tại các hồ chứa, tiến hành bơm truyền nước từ các hồ có dung tích lớn điều tiết nước về các hồ chứa có dung tích nhỏ không đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.
Nạo vét, dọn dẹp các hồ chứa để nâng cao dung tích, xây dựng các tuyến kênh, trạm bơm dẫn nước đến mặt ruộng, đảm bảo tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước.
Phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tiết nước phát điện của các Công ty Thủy điện với công tác điều tiết nước, bơm nước phục vụ sản xuất của chính quyền địa phương với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh./.