Đến năm 2027, đưa vào vận hành tuyến Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Ngày 29/8/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 571/KH-UBND triển khai Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình số 84-CTr/TU ngày 19/6/2024 của Tỉnh ủy Đắk Nông về triển khai thực hiện Kết luận số 72-KL/TW ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phối cảnh cao tốc Gia Nghĩa- Chơn Thành giai đoạn phân kỳ đầu tư với chiều dài 128,8 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là phấn đấu đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; là trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9,05%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 27,7% trong cơ cấu kinh tế. Đến năm 2050, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia. Trở thành “Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình”.
Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu:
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, quán triệt và tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Bám sát và thực hiện hiệu quả các chỉ đạo, quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của Trung ương về hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị, khu, cụm công nghiệp, thương mại, thông tin, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch; trong đó, ưu tiên thực hiện các lĩnh vực đột phá đã được xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025. Xây dựng và đề xuất cấp thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng gắn với mục tiêu xây dựng công nghiệp hiện đại đến năm 2030, nhất là pháp luật về đầu tư công, quy hoạch, ngân sách nhà nước... thuộc phạm vi quản lý. Tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, nhất là các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị... cho thống nhất và đồng bộ với Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch vùng Tây Nguyên.
Sở Giao thông vận tải chủ trì tham mưu UBND tỉnh trong việc phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đảm bảo hoàn thành theo lộ trình đã phê duyệt; phối hợp kiến nghị đề xuất Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Buôn Ma Thuột (Đắk Lăk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14C, Quốc lộ 28 qua địa bàn tỉnh; xây dựng đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành (Bình Phước) theo tiến trình quy hoạch đã được phê duyệt...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ về phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ, đầu tư xây dựng hạ tầng cho các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được công nhận để phát triển công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí và nâng cao giá trị nông sản. Đề xuất các cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách phù hợp về bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng; phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực quy mô lớn; huy động, phân bổ, lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ những chương trình, dự án, công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm làm nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Ưu tiên sử dụng các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Sở Công Thương chủ trì huy động các nguồn vốn và đa dạng hóa các hình thức đầu tư để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng điện. Đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện; logicstic nhằm phát triển đồng bộ với ngành công nghiệp bô xít, alumin, nhôm.
Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh chủ trì tham mưu UBND tỉnh các giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp hiện có; đồng thời, đảm bảo các điều kiện phát triển thêm 01 Khu công nghiệp trước năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư, đạt tỷ lệ lấp đầy cao đối với 03 khu công nghiệp hiện có, gồm: Tâm Thắng, Nhân Cơ, Nhân Cơ 2. Sau năm 2030, thành lập thêm 04 khu công nghiệp: Đắk Ru, Quảng Sơn, Đắk Song I và Đắk Song II.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tập trung rà soát, đôn đốc triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch phát triển du lịch, trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là khu vực Hồ Tà Đùng, hệ thống di sản, cảnh quan thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; các bon, buôn văn hóa truyền thống tiêu biểu (buôn Nui, buôn Buôr...); tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử đã được xếp hạng để hình thành điểm tham quan du lịch. Đầu tư, trang bị cơ sở vật chất và nhân lực để phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp, văn hóa tiêu biểu của tỉnh; chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá tiêu biểu đặc trưng của địa phương và di sản văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Sở Xây dựng chủ trì xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình, nhiệm vụ hướng tới đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển đô thị và bố trí dân cư phù hợp với các điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hoá; có không gian xanh, cảnh quan đặc trưng, kết cấu hạ tầng hiện đại, thông minh và thân thiện với môi trường. Từng bước hình thành một số đô thị biên giới với chức năng thương mại, dịch vụ gắn với lợi thế về cửa khẩu, kết nối giao thông quốc tế. Tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng đảm bảo đúng quy hoạch, công khai minh bạch; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Sở Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch và nhiệm vụ triển khai để tập trung phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập. Đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, mở rộng hệ thống, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới, tạo cơ hội cho mọi người dân được bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ chất lượng cao. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, hình thành hệ thống y tế tư nhân chất lượng cao.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quy mô phát triển của tỉnh. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Phát triển thị trường lao động, kết nối thông tin thị trường lao động với các tỉnh trong vùng, các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ. Tăng cường liên kết, hợp tác để đào tạo nhân lực trình độ cao, các ngành nghề đáp ứng cho yêu cầu phát triển của tỉnh, nhất là các lĩnh vực tỉnh ưu tiên phát triển như công nghiệp alumin-nhôm, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số, y tế….
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số. Xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, tuyên truyền theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm tính gắn kết giữa hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu phục vụ quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch cụ thể để triển khai các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính về đầu tư, doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới thu hút đầu tư. Xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tập trung, ưu tiên nguồn lực, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để quyết liệt đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung triển khai, bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh theo đúng thẩm quyền quy định; kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có liên quan trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật, hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất, đảm bảo đúng quy hoạch, công khai minh bạch; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chủ động bám sát, cùng các bộ ngành Trung ương tháo gỡ các khó khăn để sớm triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả các dự án đang triển khai như các dự án điện gió, điện phân nhôm… Bảo đảm diện tích khai thác bô xít, sản xuất alumin của Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV.
UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tăng cường phối hợp với Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị và thành lập đơn vị hành chính đô thị theo Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng. Tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời cho người dân đảm bảo đúng quy định pháp luật, hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện hiệu quả Đề án dữ liệu dân cư; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Phát huy hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và thế trận lòng dân vững chắc; chú trọng ở địa bàn biên giới, địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc. Hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ động triển khai các hoạt động giao lưu Nhân dân với nước bạn./.
B.V