Tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em
UBND tỉnh Đắk Nông vừa có Công văn số 2355/UBND-KGVX đề nghị các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em.
Công văn nêu rõ từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 54 vụ tai nạn thương tích, làm 16 em tử vong, trong đó có 08 vụ tai nạn đuối nước làm 14 em tử vong, 02 vụ tai nạn giao thông làm 02 em tử vong; trẻ em tử vong do đuối nước chiếm 87% số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích.
(Ảnh minh họa)
Để tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em, bảo vệ trẻ em có cuộc sống an toàn khi thời tiết đang mùa khô, người dân đang tập trung tưới nước cho các loại cây trồng; đồng thời là dịp trẻ em chuẩn bị nghỉ hè ở nhà tự trông giữ nhau hoặc theo cha mẹ lên rẫy, nguy cơ trẻ em bị tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước rất cao; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo:
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cá nhân về phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống đuối nước trẻ em. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương: Triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em, đội ngũ cán bộ làm công tác Bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở các cấp và cha mẹ, những người chăm sóc trẻ em...; chỉ đạo thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em”, “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em” theo quy định; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật và tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích và phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học, đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để đảm bảo an toàn, phòng chống đuối nước; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh quán triệt, cảnh báo, nhắc nhở (qua tin nhắn điện thoại) học sinh và gia đình có trẻ em đi học dùng phương tiện đến trường phù hợp với lứa tuổi quy định; không tự ý chơi, đùa nghịch, bơi, tắm tại các khu vực có nguy cơ cao về đuối nước trẻ em khi không có người lớn đi cùng.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiêm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cộng đồng về phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em; tuyên truyền phổ biến kiến thức kỹ năng về phòng chống đuối nước trẻ em; tuyên truyền các biện pháp, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho trẻ em bị đuối nước.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch vận động, đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc trông giữ, giám sát nhắc nhỡ trẻ em về nguy cơ bị tai nạn thương tích và đuối nước, chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tăng cường công tác hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em trong môi trường nước và dạy bơi an toàn cho trẻ em trong dịp hè; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sự cần thiết của việc học bơi, cứu đuối.
Sở Y tế tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu khi có trường hợp đuối nước xảy ra; đồng thời, nâng cao kỹ năng tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước cho cán bộ chuyên trách ở các tuyến huyện, xã và y tế thôn, buôn, bản trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo việc đảm bảo hệ thống cấp cứu và điều trị đuối nước tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh.
UBND tỉnh đề nghị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chỉ đạo tổ chức Đoàn các cấp thực hiện phối hợp với cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận, quản lý, tổ chức các hoạt động hè tại địa bàn dân cư, trong đó chú trọng rèn luyện kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em; tăng cường công tác truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực quan thông qua băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, tờ rơi, các biển báo nguy hiểm... tại trường học, nhà trẻ, mẫu giáo; gắn với các hoạt động ngoại khóa của trẻ em; tuyên truyền trực tiếp thông qua đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên và các bậc phụ huynh về tăng cường giám sát trẻ em, cảnh báo các nguy cơ đuối nước và biện pháp phòng tránh. Đặc biệt lưu ý tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, theo dõi, trông giữ giám sát, nhắc nhỡ trẻ em về nguy cơ bị tai nạn thương tích, đuối nước, các khu vực có nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em như: Hồ tích nước tưới tiêu tại vườn, rẫy, đặc biệt là hồ tích nước tự tạo bằng bạt tại các vườn, rẫy, ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, thác, hố công trình, giếng nước… Ưu tiên bố trí ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt là kinh phí lắp đặt rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm tại các ao, hồ, đập, sông, suối; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức dạy bơi trong các cơ sở giáo dục, chỉ đạo công tác hướng dẫn trẻ em các kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho trẻ em, triển khai các biện pháp can thiệp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em thường gặp như phòng chống tai nạn giao thông, phòng chống ngã, phòng chống bỏng, phòng chống súc vật cắn …
Tiến Đạt