Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Lượt xem: 104
UBND tỉnh vừa có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 410 xã thuộc 40 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 17.400 con (tăng 53,74% so với cùng kỳ năm 2023); 44 xã của 13 tỉnh, thành phố đã có dịch Lở mồm long móng (LMLM); 34 tỉnh, thành phố đã phát hiện động vật nghi mắc bệnh Dại; trên 60 xã của 09 tỉnh có dịch Viêm da nổi cục (VDNC); 7 tỉnh đã xảy ra Cúm gia cầm (CGC) A/H5N1, buộc tiêu hủy trên 12.000 con gia cầm, đặc biệt đã có 01 người chết vì nhiễm vi rút CGC A/H5N1 và 01 người nhiễm vi rút CGC A/H9N2. Thanh Hóa là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn, trong đó hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ là phổ biến, chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vì vậy nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm xâm nhập, lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian tới là rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), sức khỏe người dân và môi trường.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả, hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Chương trình, Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật từng năm, theo giai đoạn của tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Anh-tin-bai

(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)

 

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch để người dân biết, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương và đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục, Lở mồm long móng; phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, cảnh báo và phối hợp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện của các huyện, thành phố để kịp thời chỉ đạo. Chỉ đạo các Trạm Kiểm dịch động, thực vật nội địa, cửa khẩu Đắk Peur và Bu Prăng phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường, Đồn Biên phòng, Hải quan tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; duy trì chế độ trực 24/24h tại các Chốt Kiểm dịch đầu mối giao thông; giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.  Chủ động phối hợp với Cục Thú ý xem xét, hỗ trợ 1.000 liều vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi để tổ chức tiêm phòng thí điểm cho đàn lợn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông theo Công văn số 7658/UBND-NNTNMT ngày 13/12/2023 của UBND tỉnh.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh; phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng, tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ động vật và các sản phẩm chế biến từ động vật.

Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông và các đơn vị có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan.

Sở Tài chính chủ động tham mưu, bổ sung nguồn kinh phí phục vụ công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi các đợt đảm bảo các hoạt động phòng, chống dịch được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Công an tỉnh chỉ đạo phòng chuyên môn điều tra, xử lý các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép ra vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng, các Trạm Biên phòng cửa khẩu phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

UBND các huyện, thành phố tập trung các nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, tiêu hủy, xử lý các ổ dịch khi mới xuất hiện, không để dịch kéo dài, lây lan và phát sinh các ổ dịch mới. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật mắc bệnh, vứt xác gia súc, gia cầm chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại tuyến cơ sở. Tập trung hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng (bằng vôi bột, hóa chất) tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, đặc biệt là vắc xin phòng ngừa các bệnh Cúm gia cầm, Dại, Dịch tả lợn châu Phi, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Tai xanh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tăng cường hoạt động Đoàn liên ngành để kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển, mua bán động vật không đúng quy định, xử lý nghiêm việc vận chuyển, mua bán động vật không rõ nguồn gốc làm phát sinh và lây lan dịch bệnh theo quy định. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân biết, thực hiện. Khuyến cáo người dân không mua con giống trôi nổi, không có kiểm dịch của cơ quan thú y; không tham gia các hoạt động buôn bán, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới làm phát tán, lây lan dịch bệnh. Thực hiện nghiêm việc kê khai chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018, không hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh nếu không chấp hành đúng các quy định về kê khai chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn./.

B.V

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 25° - 28° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1