UBND tỉnh chỉ đạo tập trung triển khai nhiệm vụ giải pháp tài chính ngân sách những tháng cuối năm 2024
Lượt xem: 239
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai 08 nhiệm vụ giải pháp tài chính ngân sách những tháng cuối năm 2024.

Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông giai đoạn 05 năm 2021-2025. Để khắc phục những khó khăn và thách thức đến từ các yếu tố khách quan và các yếu tố chủ quan trong nội tại nền kinh tế của tỉnh; phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu - chi ngân sách nhà nước năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về tài chính ngân sách năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đề ra theo thẩm quyền được giao; trong đó tập trung thực hiện các 08 nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng thực chất, hiệu quả, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ; triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả những giải pháp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, đẩy mạnh dịch vụ tiêu dùng (bao gồm cả hoạt động bán lẻ hàng hóa và hoạt động du lịch) và thu hút đầu tư (đặc biệt là vốn đầu tư ngoài ngân sách). Phải có giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ phát triển 03 trụ cột kinh tế địa phương theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; các ngành chức năng của địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định; chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ thu đối với các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thu khác ngân sách,... Trên cơ sở đó, phấn đấu hoàn thành vượt mức cao nhất dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 để có nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh, tạo cơ sở vững chắc cho các năm tới.

Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; khắc phục các bất cập để giải ngân nhanh hơn, sử dụng hiệu quả hơn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài; phát huy đầu tư công để kích hoạt, dẫn dắt và thúc đẩy đầu tư; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài theo phương thức đối tác công tư. Triển khai kịp thời, hiệu quả quy hoạch cấp Quốc gia, quy hoạch Vùng, quy hoạch Tỉnh đã được phê duyệt với các nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành cụ thể, bảo đảm dễ thực hiện, dễ theo dõi, dễ kiểm tra, dễ giám sát; tập trung hoàn thành phê duyệt các quy hoạch còn lại.

Chủ động, quyết liệt đẩy mạnh công tác phối hợp, phát huy trách nhiệm người đứng đầu của các cấp chính quyền, Sở, Ban, ngành chuyên môn trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo thẩm quyền đã được phân cấp và chức năng, nhiệm vụ được giao. Chú trọng rà soát, điều chỉnh, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên danh mục các dự án, nội dung thành phần về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả; tránh dàn trãi, manh mún.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính - ngân sách; tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Quản lý chi ngân sách địa phương theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán được giao, hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ chi thường xuyên khi thực sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.

Phấn đấu tăng thu ngân sách, các nguồn thu sự nghiệp để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách Nhà nước đã ban hành, giảm yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách cấp trên. Tập trung đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội gắn với tiền lương. Chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi đột xuất, cấp bách phát sinh theo quy định.

Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, bảo đảm tiết kiệm. Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo đúng quy định. Yêu cầu các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện cần xác định rõ phân cấp quản lý tài sản công, cơ quan tham mưu xử lý tài sản công và cơ quan phê duyệt phương án xử lý tài sản công; không kiến nghị vượt cấp đối với những nội dung vướng mắc thuộc thẩm quyền xem xét, xử lý của cấp mình.

Chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027, kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026-2030 ở địa phương bám sát các yêu cầu, nội dung chủ yếu tại các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Tải văn bản

 

M.L

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 17° - 18° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1