Cần có giải pháp hữu hiệu hơn để đối phó với thiên tai, dịch bệnh
Lượt xem: 58
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị có giải pháp hữu hiệu hơn trong tổ chức triển khai, nâng cao tính dự báo để đối phó với những thiên tai, dịch bệnh.

Ngày 4/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham gia Phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Nông tán thành báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025. Đại biểu nhấn mạnh, năm qua trong bối cảnh tình hình quốc tế đầy bất ổn. Trong nước thiên- địa; thuỷ- hoả hợp công gây ra nhiều mất mát, đau thương ...đặt ra khó khăn thách thức, trong bối cảnh đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm chính trị cao, tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành KTXH của đất nước, đạt được những kết quả hết sức ấn tượng (ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch), kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu Quốc hội giao thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Đặc biệt, quốc phòng, an ninh được tăng cường bảo đảm ở mức cao. Công tác đối ngoại của Đảng, đối ngoại nhân dân và ngoại giao Nhà nước tiếp tục đạt thêm nhiều thành tựu nổi bật, hết sức quan trọng, không chỉ khẳng định thêm vị thế, uy tín mà còn mở rộng hành lang sức mạnh mềm, thu các nguồn lực cho sự phát triển đất nước, điều này thể hiện tầm cao trí tuệ Việt Nam trong ngoại giao “cây tre”.

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều nổ lực trong khắc phục những bất cập nhưng tình trạng “nợ” các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn là điểm hạn chế lớn. Do đó, tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng cần quyết liệt hơn nữa nhằm đảm bảo tính đồng bộ khi Luật, Nghị quyết của Quốc hội, có hiêu lực thì các văn bản hướng dẫn thi hành phải hoàn thành để triển khai thực hiện được ngay trong thực tế. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên Quốc hội đã, đang và sẽ ban hành nhiều luật theo hình thức một luật sửa nhiều luật và ngược lại thì một luật cũng được sửa đổi, bổ sung ở nhiều luật có liên quan, kéo theo đó là các văn bản hướng dẫn thi hành cũng được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, việc ban hành văn bản hợp nhất cũng phải đặc biệt quan tâm thực hiện để bảo bảo thuận tiện trong khi thi hành pháp luật.

Anh-tin-bai

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Nông

Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Hiện nay trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc và cùng sự phát triển kinh tế xã hội nên những năm qua cho thấy, các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, diễn ra trên địa bàn cả nước Vì vậy đại biểu đề nghị cần tâp trung trong việc tổ chức và triển khai thực hiện pháp luật về phòng thủ dân sự và các luật có liên quan để có thể phòng ngừa từ sớm, từ xa, ứng phó, khắc phục có hiệu quả, kịp thời, nhanh nhất có thể đối với những hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để bảo vệ tốt nhất cho người dân, cơ quan, tổ chức và cả nền kinh tế quốc dân.

Liên quan đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường đại biểu cũng đề nghị có giải pháp toàn diện cả trước mắt và trong dài hạn để việc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước để từ đó đảm bảo an ninh nguồn nước, (nước ngọt cần phải được xem là nguồn tài nguyên đặc biệt “nguồn sống”. Vì Việt Nam thực tế có đến 63% nguồn nước đến từ ngoài lãnh thổ và nước mưa thì lúc thừa lúc thiếu do phân bổ theo mùa. Bên cạnh đó, tình trạng đắp đập làm thủy lợi, thủy điện, lấp ao hồ, sông suối để phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ... đã dẫn tới hầu hết các con sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm, chưa kể việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam là thực trạng và cũng là thách thức lớn đối với vấn đề an ninh nguồn nước của  nước ta.  

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội sau 03 năm không đạt thì năm 2024 đã vượt kế hoạch đề ra, đây là điều đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá của Chính phủ thì  “Năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực còn có mặt hạn chế, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển KTXH, chưa đáp ứng yêu cầu dẵn dắt, phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là vấn đề cần được quan tâm, vì xét đến cùng, năng suất lao động là yếu tố quyết định sự thắng lợi của một chế độ xã hội; vì chỉ tiêu này gắn liền với tốt độ tăng trưởng và quy mô của nền một nền kinh tế, đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động. Và yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phù hợp. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn nữa để phát triển kỹ năng nghề của người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ kỹ năng nghề… nhằm đảm bảo chỉ tiêu này có tốc độ tăng nhanh và bền vững.

Về đầu tư công: Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng chính phủ rất quan tâm, Thủ tướng chính phủ thường xuyên đôn đốc từ trực tiếp đến tận công trình đôn đốc cũng như tổ chức nhiều hội nghị với các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính chính vào cuộc nhưng theo báo cáo của Chính phủ thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 51,38%). Và tôi nhận thấy rằng vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công có thể ví như là “một căn bệnh mãn tính” nhiều năm chưa có phác đồ điều trị một cách triệt để. Vì vậy cần đánh giá kỹ, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân từ thể chế cũng như trách nhiệm của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương để từ đó có giải pháp hữu hiệu nhằm chấm dứt tồn tại này trong thời gian tới.

Liên quan đến tỉnh Đắk Nông: Đại biểu Dương Khắc Mai kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm sớm giải quyết những kiến nghị của Đoàn ĐBQH đã nêu cũng như những nội dung mà tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo gửi Trung ương, đặc biệt là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, khai thác bô xít, đất đai, nông lâm trường, dân di cư không có kế hoạch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng như di dời đường dây 500kw ra khỏi thành phố Gia Nghĩa. Vì sớm giải quyết những vấn đề này thì tỉnh mới đảm bảo thực hiên được Quy hoạch tỉnh Đắk Nông đã được của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cũng là góp phần thực hiện định hướng, chủ trương tại Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 04/5/2024.

Song Nguyên

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 22° - 25° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1