Đắk Nông kiên định với mục tiêu phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Từ một vùng đất giàu tài nguyên nhưng chưa được khai thác, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã giúp Đắk Nông định hình con đường phát triển bền vững, nơi người dân địa phương có thể tự hào, gắn bó và phát triển kinh tế từ chính mảnh đất quê hương mình.
Gìn giữ di sản vì tương lai bền vững của cộng đồng
“Việc bảo tồn di sản tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông không chỉ dừng lại ở việc giữ nguyên trạng hay chỉ trưng bày. Bởi di sản không chỉ là những giá trị cần gìn giữ, mà còn là nguồn lực quý giá để tạo thành quả, phát triển du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các giá trị địa chất, địa mạo, văn hóa của Đắk Nông vốn đã có từ lâu, nhưng chỉ khi tỉnh quyết tâm “theo đuổi” danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO, lộ trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy mới được cụ thể hóa một cách bài bản. Đây chính là cách để những tiềm năng ấy được khai mở một cách đúng đắn và bền vững.
Trên thực tế, Công viên địa chất là mô hình phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc. Đặc biệt, quy trình tái đánh giá danh hiệu 4 năm một lần đã tạo ra động lực mạnh mẽ để Đắk Nông đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận và có mục tiêu cụ thể trong việc gìn giữ những giá trị vốn có. Mỗi lần tái công nhận là một lần tỉnh khẳng định giá trị của mình trên bản đồ di sản thế giới.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh chia sẻ kỳ vọng lớn đối với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, lấy cảm hứng từ thành công của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên Đá Đồng Văn, Hà Giang trong việc hỗ trợ người dân bản địa xoá đói giảm nghèo. “Cảm ơn Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, cảm ơn Việt Nam đã cho chúng tôi cách nhìn mới, rằng làm công viên địa chất là để xoá đói giảm nghèo” bà dẫn lại lời của một thành viên Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, nhấn mạnh vai trò thực chất của mô hình này trong mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt tại những tỉnh còn nhiều khó khăn về hạ tầng và phát triển du lịch.
Sản phẩm địa phương được quảng bá tại các Hội nghị quốc tế thuộc mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Mục tiêu dài hạn của Công viên Địa chất Đăk Nông không chỉ là bảo tồn những giá trị di sản quý báu, mà còn xây dựng nền tảng phát triển hài hòa, nơi di sản được gìn giữ song hành với phát triển kinh tế. Lấy người dân địa phương làm trung tâm, mô hình Công viên Địa chất toàn cầu trao cho họ không chỉ cơ hội, mà cả phương thức để tự mình vươn lên, như trao “cần câu” thay vì “con cá”. Đây là một hành trình lâu dài, nơi mỗi giá trị văn hóa và thiên nhiên đều được “đánh thức” để phục vụ cuộc sống con người. Qua đó, Công viên Địa chất Đắk Nông không chỉ giữ lại những gì thuộc về quá khứ, mà còn mở ra cánh cửa cho tương lai, nơi người dân địa phương có thể tự hào, gắn bó và phát triển từ chính mảnh đất quê hương mình.
Kiên định từ những ngày đầu
Nhìn lại hành trình chinh phục và bảo vệ danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu, tỉnh Đắk Nông đã trải qua không ít khó khăn.
17 năm trước, trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam” do Bảo tàng Địa chất, thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì vào năm 2007 – 2008, hệ thống các hang động núi lửa trong đá bazan ở xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô được phát hiện và công bố, thu hút sự quan tâm rộng rãi của giới khoa học trong nước và quốc tế.
Các nhà khoa học nước ngoài khám phá hang động thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông
Sau 6 năm nghiên cứu và khảo sát, tháng 12/2014, hệ thống hang động này chính thức được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập một số kỷ lục Đông Nam Á về quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trên cơ sở đó, cùng với sự tư vấn của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, Đắk Nông đã quyết tâm theo đuổi mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO nhằm lồng ghép và tích hợp hiệu quả công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di sản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
Tháng 12/2015, Công viên địa chất Đắk Nông được thành lập với diện tích 4.760 km2. Trải qua 3 năm hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hồ sơ khoa học, tháng 7/2018, tỉnh Đắk Nông đã mời đoàn chuyên gia của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu đến thẩm định sơ bộ, tư vấn hoàn thiện công tác chuẩn bị, chính thức đệ trình hồ sơ lên UNESCO vào tháng 11/2018. Sau hai vòng xem xét tài liệu và thẩm định thực địa, ngày 7/7/2020, Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 đã thông qua quyết định công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Nỗ lực lớn nhất của tỉnh phải kể đến núi lửa Nâm Kar trước đây được cấp giấy phép cho Công ty cổ phần đầu tư thương mại Đức Thành khai thác làm nguyên liệu phục vụ để sản xuất xi măng. Năm 2018, tỉnh đã xin tạm dừng hoạt động khai thác để bảo tồn núi lửa, làm hồ sơ Công viên địa chất. Kết quả, ngày 12/9/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1067/QĐ-TTg khoanh định diện tích núi lửa Nâm Kar vào khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
“Nếu khai thác xi-măng có thể mang lại lợi ích kinh tế trước mắt nhưng sau 9-10 năm, núi lửa - chứng nhân lịch sử về quá trình hoạt động của Mẹ thiên nhiên mất đi, thế hệ trẻ sẽ không biết vùng đất này đã từng có những cảnh quan hùng vĩ như thế”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh nhớ lại.
Chủ động tìm kiếm sự ủng hộ
Trên hành trình xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, tỉnh luôn chủ động tìm kiếm sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNESCO. Đây không chỉ là bước đi chiến lược nhằm nâng cao vị thế của địa phương, mà còn là minh chứng cho sự chung tay, quyết tâm, khẳng định cam kết của chính quyền tỉnh đối với việc bảo tồn trị di sản và thúc đẩy phát triển bền vững.
Đoàn công tác tỉnh Đắk Nông do Bí Thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh làm Trưởng đoàn làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp và Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tháng 7/2024
Tháng 7/2024 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Châu Âu, đoàn công tác tỉnh Đắk Nông do Bí Thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp và Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO. Tại đây, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh rằng, Đắk Nông là địa phương hội tụ những lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều tiềm năng lợi thế nổi bật để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch.
Chính vì thế, việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất Đắk Nông thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO là định hướng phát triển chiến lược của tỉnh, góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản đặc trưng; đồng thời, phát triển kinh tế-xã hội địa phương bền vững. Điều đáng mừng là những nỗ lực và cam kết của địa phương đã được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu ghi nhận, và chính thức thông qua thẻ xanh sau kỳ tái thẩm định lần thứ nhất đối với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, mở ra một giai đoạn phát triển mới, nâng tầm khát vọng mới cho vùng đất và con người Đắk Nông.
Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO bày tỏ sự bất ngờ khi Đắk Nông là địa phương đầu tiên của Việt Nam chủ động kết nối với UNESCO để tranh thủ sự ủng hộ cho phát triển bền vững thông qua danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO”.
Theo Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, dù Đắk Nông là thành viên mới trong mạng lưới CVĐC toàn cầu nhưng chỉ trong vòng 5 năm kể từ khi chính thức được công nhận danh hiệu, Đắk Nông đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác song phương và đa phương về các lĩnh vực bảo tồn di sản địa chất, phát triển du lịch (đặc biệt là du lịch địa chất) và giáo dục khoa học địa chất với các CVĐC toàn cầu khác trong khu vực và quốc tế như: CVĐC toàn cầu UNESCO Maros Pangkep (Indonesia), CVĐC toàn cầu UNESCO Mudeungsan (Hàn Quốc), CVĐC toàn cầu UNESCO Khorat (Thái Lan), CVĐC toàn cầu UNESCO Aso (Nhật Bản), CVĐC toàn cầu UNESCO Rinjani - Lombok (Indonesia), CVĐC toàn cầu UNESCO Jeju (Hàn Quốc).
Việc hợp tác với các CVĐCTC quốc tế không chỉ mở ra cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm mà còn giúp huy động thêm nguồn lực quan trọng cho CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Hiện nay, Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đang triển khai các chiến lược tiếp cận toàn diện, giao lưu và hợp tác sâu rộng với các đối tác quốc tế nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch. Đồng thời, Ban quản lý đặc biệt chú trọng phát triển các dự án du lịch cộng đồng, với mục tiêu giúp người dân địa phương sớm được hưởng lợi từ mô hình này.
Nhìn nhận thẳng thắn để phát triển
Dù sở hữu tiềm năng lớn, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vẫn chưa phát huy đúng giá trị vốn có. Nhận thức của một bộ phận chính quyền cơ sở và người dân về ý nghĩa của công viên địa chất, vai trò của du lịch bền vững, cũng như trách nhiệm bảo vệ các điểm di sản vẫn còn hạn chế. Điều này khiến nguồn lực từ cộng đồng chưa được huy động hiệu quả cho công tác bảo tồn, quản lý và phát triển các giá trị di sản.
Bên cạnh đó, diện tích rộng lớn của công viên địa chất, chiếm tới 3/4 tổng diện tích toàn tỉnh, đặt ra nhiều thách thức trong việc xác định, quy hoạch các điểm di sản và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết theo tiêu chuẩn của UNESCO. Các hạng mục như bảng thông tin, biển chỉ dẫn, bãi đậu xe hay nhà vệ sinh đòi hỏi nguồn nhân lực và tài chính đáng kể, trong khi điều kiện hiện tại của địa phương còn nhiều hạn chế.
Khác với 2 công viên địa chất phía Bắc với cảnh quan núi đá vôi hùng vĩ, địa hình cảnh quan núi lửa và hang động núi lửa của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông khá “mong manh”, nhạy cảm với các tác động của đời sống dân sinh khu vực lân cận vì trần hang động núi lửa chỉ chỉ cách mặt đất từ 20-30 cm. Các hoạt động sinh hoạt, canh tác nông nghiệp như di chuyển bằng máy cày, khoan giếng…hay tham quan với số lượng đông khách du lịch cùng lúc…dễ dẫn đến hiện tượng sụt trần hang Do đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng trở nên phức tạp hơn, yêu cầu quy trình đo đạc, khảo sát kỹ lưỡng. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc thu hút đầu tư, đòi hỏi sự kiên trì và định hướng cụ thể từ địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định rõ “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông” là một trong ba trụ cột của nền kinh tế địa phương.
Định hướng trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông mong muốn được kết nối, mời gọi các tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh Đắk Nông để tìm hiểu, khảo sát, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, phát triển các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng…
Đắk Nông là tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, do đó khi doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh Đắk Nông, doanh nghiệp sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi với khung cao nhất theo quy định của Trung ương và địa phương. Với quan điểm “Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh, tiềm năng của chúng tôi là cơ hội của bạn”, chính quyền tỉnh Đắk Nông cam kết luôn đồng hành, tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu và đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Đắk Nông.
Kỳ vọng rằng, với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng Nhân dân tỉnh Đắk Nông, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông sẽ khẳng định được giá trị và vai trò của mình, góp phần đưa du lịch tỉnh Đắk Nông thực sự “cất cánh” và trở thành mô hình tiêu biểu về bảo tồn, giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội.
H.C