Thứ Ba, 26/11/2024 19:41:00 GMT+7
Cần có chế tài mạnh để kiểm soát tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên
Lượt xem: 73
Thảo luận ở hội trường sáng 26/11 về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, các ĐBQH đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn, toàn diện hơn về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện và dự báo trong thời gian sắp tới để có những giải pháp đồng bộ, toàn diện, đồng thời cần có giải pháp quyết liệt hơn để phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Toàn quốc phát hiện 5.216 vụ, 15.243 đối tượng (nam 11.023, nữ 4.220), tăng 7,58% về số vụ, 15,62% về số đối tượng; đã khởi tố 2.854 vụ, 6.325 bị can, xử lý hành chính 10.258 đối tượng; trong đó có nhiều em đang là học sinh, sinh viên là điều rất đáng báo động, tạo ra sự lo lắng trong xã hội.
Thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ việc hết sức đau lòng, chỉ một xích mích, mâu thuẫn nhỏ, chỉ cảm thấy “không vừa mắt” trong đời sống, sinh hoạt, các em có thể giải quyết với nhau bằng hung khí và để lại những hậu quả nặng nề cho bản thân các em, gia đình và xã hội. Để kéo giảm và ngăn ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền, nhà trường, gia đình và xã hội, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn, toàn diện hơn tình hình trong thời điểm hiện nay và có tính dự báo trong thời gian sắp tới để có những giải pháp căn cơ; đồng thời, có các biện pháp cụ thể để kiểm soát tốt hơn việc sử dụng mạng xã hội để phạm tội và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.
Hiện nay, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, như: hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng; các đường dây điều hành hoạt động “tín dụng đen” qua mạng, hoạt động kinh doanh, mua bán các mặt hàng mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội hay như hoạt động tấn công mạng đang trở thành “nỗi lo lắng” trong người dân, bị lừa qua mạng thành mối nguy cơ hiện hữu hàng ngày, hàng giờ nếu người dân không “tỉnh táo”. Bên cạnh việc tuyên truyền các cách thức, thủ đoạn thì lực lượng công an đã xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề này; tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này tiếp tục diễn biến phức tạp.
Với một đất nước có tỷ lệ người dùng mạng xã hội rất lớn, chúng ta cần có sự đảm bảo an toàn, hết sức tránh những thiệt hại cho người dân thì cần những những động thái mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật thông qua mạng xã hội. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có sự đầu tư thoả đáng hơn cả về nhân lực, tài lực cho các lực lượng làm công tác đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; đồng thời, kịp thời dự báo tình hình để ban hành, đề xuất ban hành các quy định nhằm thực hiện tốt, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Song Nguyên