Chủ tịch UBND tỉnh: Phòng, chống lãng phí đòi hỏi sự tham gia có trách nhiệm của tất cả các sở, ngành, địa phương
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười yêu cầu các đơn vị, địa phương xác định phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự tham gia, đóng góp một cách có trách nhiệm của tất cả các sở, ngành, địa phương.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chủ trì Phiên họp
Chiều 19/3, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí tỉnh Đắk Nông để đánh giá tình hình, kết quả về phòng, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh, phiên họp nhằm làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và đề ra giải pháp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài. Từ đó, triển khai nhiệm vụ phòng, chống lãng phí thời gian tới, đặc biệt là xử lý các dự án tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả nhằm góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lãnh đạo Sở Tài chính báo cáo kết quả phòng, chống lãng phí tỉnh đến nay
Theo báo cáo của Sở Tài chính, trong lĩnh vực đầu tư công hiện vẫn còn 16 dự án lớn tồn đọng, dừng thi công hoặc chưa hoàn tất thủ tục bàn giao, quyết toán, gây lãng phí nguồn lực như: dự án Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư cho Cụm công trình thủy lợi Gia Nghĩa (Khu tái định cư B); dự án Kết nối các trục đường khu đô thị số 4 thị xã Gia Nghĩa; dự án Đường Bắc Nam giai đoạn 2 thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông...
Về quản lý tài sản công, một số trụ sở, công sở chưa được khai thác hiệu quả, một số công trình đầu tư lớn nhưng không được sử dụng đúng mục đích. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các hạn chế, khuyết điểm, vi phạm về đất đai như thu hồi 36,4 ha đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định nằm trên diện tích đất của tổ chức; thu hồi 5,9 ha đất cho thuê tại 03 dự án; thu hồi 20 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sai quy định; rà soát, xử lý 62 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Lãnh đạo các địa phương thảo luận tại Phiên họp
Thảo luận tại Phiên họp, đại biểu chỉ ra thực tiễn tình trạng lãng phí vẫn còn tồn tại, điển hình là cơ chế phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều bất cập; cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa được khắc phục kịp thời… Từ đó, đại biểu nêu kiến nghị, giải pháp xử lý tình trạng này.
Kết luận Phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười yêu cầu các đơn vị, địa phương xác định phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự tham gia, đóng góp một cách có trách nhiệm của tất cả các sở, ngành, địa phương.
Công tác phòng, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có tiến độ, có chỉ tiêu cụ thể, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí và phải được tiến hành thường xuyên. Kế hoạch thực hiện phải đảm bảo 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Đặc biệt, cần có hình thức xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu để xảy ra lãng phí, thất thoát.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười lưu ý địa phương cần gắn kết các kết quả từ công tác phòng, chống lãng phí với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên năm 2025
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, địa phương cần gắn kết các kết quả từ công tác phòng, chống lãng phí với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên năm 2025. Xác định kết quả thu được từ công tác phòng, chống lãng phí là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống khác.
Cùng với đó, tập trung thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống lãng phí. Tích cực thông tin, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; bám sát thực tiễn, tăng cường cung cấp thông tin góp phần ổn định dư luận xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị, đối với các dự án lãng phí, kéo dài, cần tiếp tục rà soát, phân định làm rõ các nhóm nguyên nhân, phương án xử lý và cấp có thẩm quyền xử lý để giải quyết dứt điểm, sớm đưa vào khai thác, sử dụng các dự án phát huy hiệu quả đầu tư, không để tiếp tục lãng phí nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân.
Đồng thời, thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, giúp minh bạch hóa thông tin, giảm thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, đồng thời là công cụ hữu hiệu trong phòng, chống lãng phí ở tất cả các cấp, các ngành. Tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu, xây dựng quy trình xử lý liên thông giữa các Sở, ngành, địa phương để đảm bảo các vụ việc lãng phí, tiêu cực được phát hiện, xử lý kịp thời.
Hà Linh