Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo luật, hướng đến xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, xứng tầm với yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước.
Tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhất trí sự cần thiết ban hành luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới và các yêu cầu từ hội nhập quốc tế.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị bỏ quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 3 vì trùng với quy định tại khoản 1 Điều 155 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương có hiệu lực trong phạm vi cả nước và được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác” (dự thảo Luật không quy định đối tượng áp dụng đặc thù so với quy định tại khoản 1 Điều 155 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
Tại Điều 6, việc bổ sung quy định về gia nhập công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là phù hợp để thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và phù hợp, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Đại biểu cũng tán thành với hướng quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật về nguyên tắc, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận việc gia nhập công đoàn của tổ chức này; trong đó có quy định mang tính nguyên tắc là sau khi gia nhập công đoàn thì tổ chức này sẽ chấm dứt hoạt động và các thành viên của tổ chức này là đoàn viên công đoàn nếu đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Tuy nhiên, việc gia nhập công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên cần tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ hơn để vừa bảo đảm chủ động, kịp thời trong quản lý đối với tổ chức này, vừa tạo điều kiện thuận lợi, thu hút tổ chức và thành viên của tổ chức này gia nhập công đoàn nhằm củng cố, phát triển vững chắc tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp
Tại khoản 1 Điều 8 quy định “có số lượng lớn đoàn viên” là tiêu chí để xác định công đoàn ở tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc “công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương” quy định tại điểm b khoản 1. Tuy nhiên chưa rõ thế nào là “có số lượng lớn đoàn viên” để phân biệt với trường hợp công đoàn ở tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc “công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở” quy định tại điểm c khoản 1; hơn nữa, số lượng đoàn viên công đoàn thường xuyên thay đổi, có thể dẫn đến việc thay đổi cấp công đoàn của công đoàn ở tập đoàn kinh tế, tổng công ty, không bảo đảm tính ổn định của tổ chức công đoàn. Do đó, đề nghị làm rõ tiêu chí để xác định cấp công đoàn của công đoàn ở tập đoàn kinh tế, tổng công ty bảo đảm khả thi, dễ thực hiện.
Về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn theo Điều 33 của dự thảo Luật. Tại khoản 1 quy định: “Việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phải được kiểm tra, kiểm toán theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” và khoản 3 có quy định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính của Công đoàn theo quy định của pháp luật.” Đại biểu đề nghị quy định rõ hơn đối với 02 khoản này để làm cơ sở cho việc thi hành luật. Trong đó, xác định việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính của Công đoàn thì thực hiện theo quy định của pháp luật; đối với việc kiểm tra, kiểm toán trong nội bộ của công đoàn và các nguồn kinh phí không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước thì thực hiện theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn, ngày nay, trước những biến đổi sâu sắc của tình hình quốc tế, hội nhập quốc tế và quan hệ lao động, tổ chức Công đoàn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, tôi thiết nghĩ tổ chức Công đoàn cần được quan tâm, tăng cường các nguồn lực tiếp sức để hoàn thành sứ mệnh lịch sử, tiếp tục hoạt động hiệu quả góp phần vào xây dựng đất nước hùng cường mà một trong những yếu tố quan trọng đó là thể chế. Tôi mong muốn Luật sớm hoàn thiện và được thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Song Nguyên