Đắk Nông chuyển biến mạnh mẽ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Qua hơn 4 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo ra chuyển biến căn bản về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh
Sáng 23/5, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và định hướng giai đoạn 2026-2030. Hội nghị được tổ chức trực tuyến 2 cấp: cấp tỉnh và cấp huyện.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ; các uỷ viên Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
Hội nghị thảo luận, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025; làm rõ những thuận lợi, khó khăn, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất cho giai đoạn II của Chương trình từ năm 2026 đến năm 2030.
Qua hơn 4 năm triển khai, cùng với các chương trình, chính sách liên quan đã và đang triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo ra chuyển biến căn bản về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Hạ tầng thiết yếu được đầu tư; sinh kế của người dân từng bước được hình thành; giáo dục – y tế – văn hóa có nhiều tiến bộ. Nhiều mô hình giảm nghèo, sản xuất nông nghiệp, khởi nghiệp địa phương đã chứng minh hiệu quả thiết thực.

Các đồng chí: Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo chủ trì Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Chương trình được triển khai trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong và sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương, cùng với sự đồng lòng, nỗ lực của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh; việc triển khai Chương trình đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của người dân, đặc biệt là người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Chương trình đã hỗ trợ đất ở cho 422 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 121 hộ; hỗ trợ nhà ở 422 hộ; giải quyết sinh kế chuyển đổi nghề cho 736 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.612 hộ. Đầu tư hoàn thành 94 công trình giao thông (159,9 km đường).
Trên lĩnh vực giáo dục, Chương trình đã hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 8 Trường phổ thông dân tộc nội trú; tổ chức 43 lớp học xóa mù chữ cho 1.098 người; hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.677 người…

Chương trình cũng đặc biệt chú trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Cụ thể, có 2.397 thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại cơ sở y tế tuyến cơ sở; 973 phụ nữ có thai được tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh tại cơ sở y tế tuyến cơ sở; 1.285 trẻ em sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật sơ sinh tại cơ sở y tế tuyến cơ sở; 17.918 người cao tuổi vùng dân tộc thiểu số và miền núi được khám và tư vấn sức khỏe.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai một số dự án của Chương trình chưa sát với thực tiễn địa phương. Quá trình lựa chọn danh mục dự án đầu tư chưa đảm bảo khả thi, chưa phù hợp với các quy hoạch, dẫn đến việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Tiến độ giải ngân vốn của một số nội dung, dự án còn chậm…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đến năm 2030, nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc, đảm bảo công bằng, và giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc. Do đó, Hội nghị không chỉ tổng kết để khép lại một giai đoạn, mà phải mở ra một tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới, và khí thế mới cho chặng đường tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình đề ra trong năm 2025
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Dân tộc và Tôn giáo, các ngành, các cấp, các địa phương chủ động chuẩn bị các thông tin, dữ liệu, điều kiện cần thiết để tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án giai đoạn tiếp theo, bảo đảm phù hợp với đặc thù địa phương, gắn với các nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng các cấp. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong theo dõi, giám sát chương trình. Và quan trọng nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, trong mọi hoạt động của chương trình.
Trong thời gian còn lại của năm 2025, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình đề ra trong năm 2025.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Dân tộc và Tôn giáo và các Sở, ngành hướng dẫn cụ thể UBND các huyện, thành phố xử lý tài chính, chuyển tiếp quản lý các dự án khi kết thúc hoạt động cấp huyện, sáp nhập cấp xã để đảm bảo không gián đoạn trong quá trình thực hiện, giải ngân nguồn vốn Chương trình.

Trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 02 tập thể, 01 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025
Tại Hội nghị đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
DANH SÁCH 02 TẬP THỂ, 01 CÁ NHÂN NHẬN BẰNG KHEN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
1. Nhân dân và cán bộ huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông;
2. Nhân dân và cán bộ huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông;
3. Ông Sầm Minh Đông, người có uy tín, Trưởng bon Kon Hao, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
DANH SÁCH 05 TẬP THỂ, 10 CÁ NHÂN NHẬN BẰNG KHEN CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH
I. Tập thể:
1. Sở Dân tộc và Tôn giáo.
2. Phòng Quản lý ngành, Sở Tài chính.
3. Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Krông Nô.
4. UBND xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong.
5. UBND xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức.
II. Cá nhân:
1. Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Krông Nô.
2. Ông Nguyễn Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức.
3. Ông Điều Grơn, Trường phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Đắk Song.
4. Bà Đinh Thị Hoài Mỵ, Phó Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
5. Bà Hoàng Thị My, Phó Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Đắk Glong.
6. Ông Huỳnh Văn Triều, Chuyên viên phòng Dân số, Sở Y tế.
7. Bà Trần Thị Thanh Thúy, Chuyên viên ban Xây dựng phát triển tổ chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
8. Ông Hồ Thanh Bình, Chuyên viên phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Đăk Mil.
9. Ông Đoàn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.
10. Bà H' Liêm, Chỉ Hội trưởng Chi hội Nông dân Bon Ka Nur, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong.
Hà Linh