Bí Thư Tỉnh ủy Đắk Nông thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp và Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO
Trưa ngày 10/7 (theo giờ Việt Nam), đoàn công tác tỉnh Đắk Nông do ông Ngô Thanh Danh – Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp. Tiếp và làm việc với đoàn có Đại sứ Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp và Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO.
Đoàn công tác tỉnh Đắk Nông làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Ngô Thanh Danh đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các đồng chí trong Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã hỗ trợ tích cực cho chuyến công tác lần này của tỉnh Đắk Nông, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác với Các công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Âu trong thời gian tới.
Thông tin tại buổi làm việc, ông Ngô Thanh Danh thư nhấn mạnh rằng Đắk Nông là địa phương hội tụ những lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều tiềm năng lợi thế nổi bật để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong đó, công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nghỉ dưỡng là 03 trụ cột nền kinh tế của địa phương đã và đang được tỉnh Đắk Nông tập trung phát triển.
Ngoài ra, Đắk Nông còn sở hữu danh hiệu cao quý do UNESCO vinh danh, đó là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đây là mô hình bảo tồn các giá trị di sản kiểu “mở”, hướng tới 3 mục tiêu cụ thể là: (1) Bảo tồn các di sản địa chất và các giá trị khác trong khu vực như di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái...(2) Nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò, giá trị các loại hình di sản, hướng cộng đồng địa phương và du khách đến những ứng xử thân thiên, có trách nhiệm với môi trường, và (3) Thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững, thông qua hoạt động du lịch.
Ngoài các cảnh quan tự nhiên đẹp và độc đáo như các miệng núi lửa, hệ thống các thác nước hùng vĩ như thác Gia Long, thác Trinh Nữ, Dray Sáp…, Công viên Địa chất Đắk Nông còn là nơi lưu giữ các giá trị địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Chính vì thế, việc xây dựng và phát triển CVĐC Đắk Nông thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO là định hướng phát triển chiến lược của tỉnh, góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản đặc trưng; đồng thời, phát triển kinh tế-xã hội địa phương bền vững. Điều đáng mừng là, những nỗ lực và cam kết của địa phương đã được Hội đồng CVĐCTC ghi nhận, và chính thức thông qua thẻ xanh sau kỳ tái thẩm định lần thứ nhất đối với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, mở ra một giai đoạn phát triển mới, nâng tầm khát vọng mới cho vùng đất và con người Đắk Nông.
Đoàn công tác tặng quà lưu niệm cho Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp
Trên bình diện tổng thể, tỉnh Đắk Nông có nhiều lợi thế về tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có, do thiếu nguồn lực đầu tư. Nhân chuyến thăm, làm việc lần này, Đắk Nông rất mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển của tỉnh đến các đối tác phù hợp tại Pháp; kêu gọi, kết nối các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược đến tham quan, nghiên cứu, triển khai các chương trình hợp tác, viện trợ và đầu tư các dự án du lịch tại tỉnh.
Tại buổi làm việc, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá rất cao những nỗ lực của Đắk Nông trong việc phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đại sứ cũng nhấn mạnh rằng, ngoại giao văn hóa thông qua chiến lược phát triển thương hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO” – Một trong ba danh hiệu cao quý của Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Liên Hiệp quốc là một chiến lược phát triển rất hay của tỉnh Đắk Nông.
Thông tin thêm tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO rất bất ngờ vì trong nhiệm kỳ công tác của Đại sứ, đây là địa phương đầu tiên của Việt Nam chủ động liên hệ và kết nối với UNESCO để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của UNESCO với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương thông qua danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO”. Đại sứ cũng chúc mừng địa phương đã thông qua kỳ tái thẩm định lần I và chính thức đón nhận danh hiệu CVĐCTC giai đoạn 2024 – 2027 vào tháng 9/2024 tại Hội nghị Châu Á – Thái Bình dương lần thứ 8 (APGN8), diễn ra tại Cao Bằng. Đại sứ cũng nhận định rằng, Lễ đón nhận danh hiệu này tại tỉnh vào tháng10/2024 sau APGN8 hứa hẹn sẽ mở ra chuỗi sự kiện văn hóa-du lịch độc đáo để thu hút khách du lich trong và ngoài nước.
Bạch Vân