Đại biểu Trần Thị Thu Hằng: Đề nghị có chế tài nghiêm khắc hơn để xử lý quảng cáo sai sự thật
Lượt xem: 43
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng ngày 10/5, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

 

Anh-tin-bai

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị có chế tài nghiêm khắc hơn để xử lý quảng cáo sai sự thật

Tham gia thảo luận về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Nông thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012, nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo trong thực tế tổ chức thực hiện hiện nay góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên đại biểu cho rằng, tại khoản 8 Điều 1 của dự thảo về bổ sung Điều 15a vào sau Điều 15 về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đề nghị tiếp tục rà soát, cân nhắc một số nội dung như sau:

Không quy định “có quyền khác theo quy định của pháp luật” tại điểm b khoản 1 về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, vì sẽ dẫn đến việc áp dụng pháp luật tùy nghi và do không xác định rõ hành vi nên việc thực thi trong thực tiễn sẽ khó khăn. Tương tự như vậy, không quy định “thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”  tại điểm d khoản 2 Điều này về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Tại điểm a khoản 3 Điều này quy định người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo có nghĩa vụ xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ quảng cáo; trường hợp chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu về hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ.

Việc quy định về nghĩa vụ của người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải sử dụng hoặc hiểu rõ hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ thì mới được giới thiệu; đại biểu cơ bản đồng tình với quy định này bởi việc quy định các nghĩa vụ này nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong việc chuyển tải sản phẩm quảng cáo bởi đây là đối tượng có một lượng lớn người theo dõi và tin tưởng; lời nói và hành động của họ có tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Do đó, họ cần có trách nhiệm với những thông tin mình truyền tải.

Tuy nhiên, để các quy định này được chặt chẽ, phù hợp, có tính khoa học và thực tiễn, đề nghị xem xét thêm những khía cạnh, như: những người này đa số thực hiện theo hình thức hợp đồng để quảng cáo; công dụng, hiệu quả hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ phụ thuộc nhiều vào cơ địa, sức khỏe và cảm nhận riêng của mỗi người; có thể người có ảnh hưởng chỉ đọc lại nguyên bản các công dụng được ghi trên hàng hóa, sản phẩm hoặc có thể trị giá của sản phẩm, hàng hóa rất cao, người có ảnh hưởng không thể sử dụng được; chưa kể đến việc quy định này áp dụng trong thực tế sẽ hạn chế tính cạnh tranh, chưa phù hợp với các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo tại Điều 3 của Luật Quảng cáo; trường hợp cần kiểm soát chặt chẽ việc một số người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật như trong thời gian vừa qua thì cần nghiên cứu các chế tài xử lý mạnh hơn và quy định về các quy định cấm, hợp đồng dịch vụ… chặt chẽ hơn. Từ đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động để đưa ra quy định này cho phù hợp.

Trong thời gian gần đây, các lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện các vụ việc quảng cáo hàng giả, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không đúng thực tế hoặc thổi phồng công dụng sản phẩm như các vụ việc quảng cáo sữa giả của MC, Biên tập viên, vụ việc của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục... và mới đây nhất là sự việc được dư luận đặc biệt quan tâm về “lòng se điếu”. Việc quảng cáo hàng hóa, sản phẩm hiện nay tập trung mạnh trên các nền tảng mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số khác, dẫn đến việc khó khăn trong quản lý và kiểm soát. Từ những hạn chế, tồn tại này trong thời gian dài, có thể nhận thấy các quy định của pháp luật về quảng cáo hiện hành và các quy định có liên quan cần tiếp tục được hoàn thiện và việc sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo năm 2012 trong thời điểm này là rất cần thiết.

Để dần xử lý triệt để các vấn đề như đã nêu ở trên, đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá các hạn chế, bất cập hiện hữu để “bịt lỗ hổng pháp lý”, không để quảng cáo sai sự thật, như tiếp tục rà soát các hành vi nghiêm cấm, trách nhiệm của các bên có liên quan, xử lý vi phạm...Bên cạnh đó, cần một chế tài nghiêm khắc hơn đối với vấn đề này khi Bộ luật hình sự (sửa đổi) đang được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và quá trình thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần ban hành các quy định về xử lý vi phạm hành chính đủ mạnh để xử lý.

Song Nguyên

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 26° - 27° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1