Đắk Nông chủ động ứng phó với thiên tai
Lượt xem: 2202
Trước tình hình mưa lũ, sạt trượt ở nhiều khu vực diễn biến phức tạp, các cấp chính quyền ở Đắk Nông đang nỗ lực bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, giảm thiểu thiệt hại về thiên tai.

Quyết tâm đưa dân ra khỏi khu vực nguy hiểm

Đêm 31/7, một số người dân ở bon Bu Krắk, xã Quảng Trực (Tuy Đức) nghe thấy tiếng động mạnh như tiếng nứt nhà. Sáng ngày hôm sau, người dân thấy ở con đường đất và đường nhựa chính trong thôn xuất hiện các vết nứt.

a2-flycam(1).jpg
Khu vực xảy ra sạt trượt ở bon Bu Krắk, xã Quảng Trực (Tuy Đức) nằm khá gần đập thủy lợi Đắk Ké

Đến ngày 2/8, vết nứt kéo dài từ bon Bu Krắk đến bon Bu Prăng 1, cách chân đập thủy lợi Đăk Ké khoảng 300m. Tổng chiều dài vết nứt chính khoảng 500m.

Nhận định tình hình phức tạp, huyện Tuy Đức đã quyết định di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt trượt. Việc vận động của chính quyền được người dân ủng hộ.

a9-img_5580(1).jpg
Nhiều hộ dân trong khu vực di dời ở bon Bu Krắk đang tạm cư và được chính quyền địa phương chăm lo

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 70 hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) được di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ, đến nơi an toàn.

1(3).jpg

Theo UBND huyện Tuy Đức, hiện rất nhiều trường hợp được di dời đã đến nhà người quen sinh sống. Các hộ còn lại được đưa về ở tạm tại Trường THCS Bu Prăng.

Tất cả các lực lượng đều tham gia hỗ trợ cho người dân có cơm ăn, nước uống trong những ngày phải di dời. Anh Triệu Văn Hưởng, bon Bu Gia cho biết: “Gia đình tôi có 4 người được bố trí ở trong một phòng học của Trường THCS Bu Prăng. Ở đây chúng tôi được cấp phát một số nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ sinh hoạt. Dù nơi ở tạm không thoải mái được như ở nhà, nhưng chúng tôi thấy như vậy là ổn vì bảo đảm an toàn cho cả gia đình”.

Còn Bà Thị Byanh, bon Bu Krắk, xã Quảng Trực chia sẻ: “Cũng may có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nên tôi có được chỗ ở tạm an toàn, còn được tặng quà, lương thực, thực phẩm. Những người già, bệnh tật thì được đưa lên bệnh xá, trạm y tế chăm sóc, theo dõi. Trong lúc hoạn nạn, được chính quyền quan tâm, hỗ trợ kịp thời thế này, bà con chúng tôi vui lắm, cảm ơn Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương”.

2(2).jpg

Tại TP. Gia Nghĩa, vào sáng 2/8 đã xảy ra sụt lún trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Quảng Thành và nứt nhà dân ở phía dưới. UBND TP. Gia Nghĩa đã quyết định di dời toàn bộ 16 hộ ra khỏi khu vực có nguy cơ.

Ngoài việc huy động sức người hỗ trợ bà con vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn, phối hợp tìm kiếm nơi ở tạm mới, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đã kịp thời hỗ trợ mỗi hộ gia đình bị ảnh hưởng 3 triệu đồng. Số tiền tuy chưa thực sự lớn, nhưng phần nào giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt và tin tưởng cấp ủy, chính quyền không để ai bị bỏ lại phía sau.
a-di-doi-tai-san-1-.jpg
Các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân ở Gia Nghĩa di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt trượt

Theo Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Đỗ Tấn Sương, đến ngày 5/8, hiện tượng sạt trượt trên đường Hồ Chí Minh tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính quyền đã rà soát và xác định thêm khoảng 68 hộ dân ở gần khu vực nguy hiểm.

Hiện thành phố đã vận động các hộ dân này đưa người già, trẻ em ra khỏi khu vực nguy hiểm. Thành phố khuyến cáo người dân không nên ngủ lại vào ban đêm ở khu vực có nguy cơ.

3(1).jpg

Tại Đắk Glong, chính quyền đã di dời 34 hộ dân với 175 nhân khẩu ở vùng hạ du hồ chứa nước Đắk N’Ting, xã Quảng Sơn ngay sau khi có thông tin đập này bị trượt lún. Các lực lượng tỏa quân đi từng nhà, yêu cầu từng người dân trong các hộ gia đình nhanh chóng đến nơi an toàn.

Chủ động ứng phó với các tình huống

Ở Đắk Nông, các cơ quan xác định có 3 khu vực hiện đang là điểm có nguy cơ cao về mất an toàn do sạt trượt. Đó là điểm sạt trượt tại bon Bu Krắk, đường Hồ Chí Minh qua Gia Nghĩa và đập hồ chứa nước Đắk N’Ting.

Tại bon Bu Krắk, chính quyền đã cắt cử các lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ giăng dây cảnh báo và túc trực 24/24 giờ. Quan điểm của Tuy Đức là không để người dân quay lại nơi ở cũ khi tình hình chưa ổn định.

a8-img_5573.jpg
Các lực lượng chốt chặn, trực liên tục tại khu vực sạt trượt ở bon Bu Krắk, xã Quảng Trực (Tuy Đức)

Ngay khi đường Hồ Chí Minh sạt trượt, cả Sở GTVT Đắk Nông và TP. Gia Nghĩa đều nhận định được nguy cơ bất ổn từ việc này. Ngoài việc di dân, các đơn vị ngay lập tức họp bàn, tính toán phương án phân luồng giao thông phù hợp.

Các phương tiện lớn thì buộc phải di chuyển theo đường tránh đô thị Gia Nghĩa thay vì đi vào đoạn sụt trượt như trước đây. Cơ quan chức năng tiến hành cấm 2 trong số 4 làn xe theo thiết và lắp đặt các biển cảnh báo để các phương tiện nhỏ có thể di chuyển thuận tiện.

cam-xe(1).jpg
Ngành chức năng cấm xe tải nặng, xe khách đi vào khu vực đang sạt trượt. Các xe ô tô nhỏ và phương tiện thô sơ di chuyển ở 2 làn xe thay vì 4 làn như trước

Giải pháp cấm xe lớn được đánh giá là rất nhanh nhạy và phù hợp. Bởi chỉ 3 ngày sau khi xuất hiện vết nứt, khối sạt trượt đã sụp sâu xuống bên dưới và đang nhanh chóng lan rộng từng ngày.

Giám đốc Sở GTVT Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản nhận định: Việc sạt trượt đang diễn biến nhanh và phức tạp. Việc khắc phục phải kéo dài nhiều tháng nên TP. Gia Nghĩa cần tính toán để di dời người dân trong thời gian dài sắp tới.

Tại khu vực trồi lún ở đập Đắk N’Ting, ngoài việc di dân, chính quyền hiện đã cấm đi lại và giăng dây cảnh báo, cắt cử lực lượng chốt trực 24/24 giờ.

chot-truc(1).jpg
Hồ chứa nước Đắk N'Ting có lực lượng túc trực, theo dõi và sẵn sàng ứng phó với sự cố xảy ra

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông, hiện ban đã thuê đơn vị quan trắc và chuyên gia tư vấn. Ban cùng các đơn vị cắt cử lực lượng theo dõi chặt chẽ và có phương án xử lý ngay cả trong trường hợp xấu nhất (vỡ đập) để bảo đảm an toan hồ đập và tính mạng, tài sản người dân.

Việc ứng phó với các tình huống thiên tai được các địa phương triển khai rất chủ động. Điển hình như việc huyện Đắk Glong nhanh chóng huy động máy móc hốt, dọn khối lượng đất bị sạt xuống Quốc lộ 28. Việc ứng phó nhanh chóng này giúp tuyến Quốc lộ 28 không bị tắc đường, bảo đảm vận chuyển các phương tiện.

Đại tá Bùi Quang Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông khẳng định, lực lượng công an sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị, địa phương khi nhận được thông tin. Phía công an khẳng định sẽ bảo đảm an ninh trật tự và ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra. Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt thông tin, kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động do thiên tai gây ra.

img_5185(1).jpg
Lực lượng công an tham gia cứu hộ người dân trong mùa mưa lũ

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, những ngày qua, các địa phương đã triển khai phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” để ứng phó với thiên tai một cách chủ động, kịp thời, linh hoạt. Các sở, ngành và địa phương có sự phối hợp nhịp nhàng, tập trung khi phát sinh các tình huống xấu. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết, tương ái ở Đắk Nông.

Đồng chí Hồ Văn Mười yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt trượt, ngập úng. Đối với các điểm có nguy cơ cao, các đơn vị tuyệt đối không để cho người dân sinh sống, qua lại…

“Quan điểm nhất quán của Đắk Nông là đặt sự an toàn về tính mạng của người dân lên trên hết. Các đơn vị phải kịp thời sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm và hỗ trợ họ trong việc di dời tài sản. Mục tiêu của là phải bảo đảm an toàn tính mạng của người dân nhưng giảm thiểu được những thiệt hại do thiên tai gây ra”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh.

phat-ngon-chu-tich.jpeg

Theo báo Đắk Nông điện tử

Đánh giá - Nhận xét

3
2 Nhận xét
  • 1
  • 0
  • 0
  • 0
  • 1
Đắk Nông 19° - 22° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1