Lấy ý kiến kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15
Sáng ngày 21/9, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái; Trần Lưu Quang; Trần Hồng Hà đồng chủ trì hội nghị.
Điểm cầu tại tỉnh
Tham dự tại điểm cầu tỉnh, đồng chí Lê Văn Chiến – UVBTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, tổng số văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan thực hiện rà soát là 397 văn bản, gồm: 60 luật, nghị quyết của Quốc hội; 139 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 198 văn bản khác do các cơ quan trung ương ban hành. Trong đó:
Đối với 22 lĩnh vực trọng tâm và 01 lĩnh vực pháp luật khác: Có 16 văn bản (bao gồm 08 luật, 06 nghị định và 02 văn bản QPPL cấp bộ) có quy định mâu thuẫn, chồng chéo; có 93 văn bản (bao gồm 23 luật, 02 nghị quyết của Quốc hội, 01 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 43 nghị định của Chính phủ, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 23 văn bản QPPL cấp bộ) có quy định bất cập hoặc vướng mắc; có 01 văn bản (luật) có quy định theo đánh giá của nhiều cơ quan là còn “sơ hở”. Vấn đề này, tuy vẫn còn có ý kiến khác nhau trong việc xác định thế nào là quy định có “sơ hở” (hiện chưa có tiêu chí hay quy định đưa ra “chuẩn chung” để xác định) nhưng đã được chỉ ra tại Báo cáo số 1360-BC/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội.
Đối với nhóm lĩnh vực được các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất: Có 03 văn bản (trong đó có 01 nghị định của Chính phủ và 02 Thông tư của Bộ trưởng) thuộc các lĩnh vực đất đai, môi trường có quy định bất cập, vướng mắc được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị, đề xuất.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương đã tập trung cho ý kiến đối với các lĩnh vực, nhất là những nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo tại các luật, nghị quyết, nghị định, thông tư. Bên cạnh đó là những nội dung bất cập, vướng mắc tại các luật, nghị quyết, pháp lệnh, nghị định, quyết định, thông tư.
Để tiếp tục tổng hợp kết quả rà soát, xây dựng Báo cáo về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ yêu cầu: Các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu bổ sung đề xuất xử lý ngay những nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình đã được chỉ ra tại dự thảo Báo cáo; Chỉ ra mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập tại các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thì các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình; Đối với các kết quả rà soát về các lĩnh vực còn chưa thống nhất ý kiến giữa cơ quan rà soát, kiến nghị và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước: Không thực hiện tổng hợp vào Báo cáo của Chính phủ để báo cáo Quốc hội; giao các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu đối với kết quả rà soát về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, trường hợp xác định nội dung rà soát không chính xác, bất cập, vướng mắc không phải do quy định của pháp luật thì chủ động có hướng dẫn cho các bộ, ngành khác và địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật; đối với các vấn đề tiếp tục chưa thống nhất ý kiến thì chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo.
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá dự thảo Báo cáo được chuẩn bị công phu, đầy đủ dù việc rà soát lần này là việc khó do liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, lại được thực hiện trong thời gian ngắn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Đánh giá cao những ý kiến phát biểu góp ý tâm huyết, sát với thực tiễn đối với dự thảo Báo cáo tại hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục góp ý chi tiết, trực tiếp vào dự thảo Báo cáo đến hết ngày hôm nay (21/9) để Bộ Tư pháp tổng hợp, hoàn thiện, xin ý kiến thành viên Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
Căn cứ vào nội dung dự thảo Báo cáo, các bộ, ngành chuẩn bị kỹ lưỡng để giải trình trước Quốc hội những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của mình; chủ động sửa đổi, bổ sung, hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung ngay trong quý 4/2023 những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và các bộ, ngành...
Song Thư