Tây Nguyên phát huy tiềm năng lợi thế đưa kinh tế - xã hội vùng phát triển nhanh, toàn diện
Để đạt mục tiêu kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025, Tây Nguyên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm và xứng tầm trong thời gian tới.
Chiều 2/1, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 4. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương là thành viên Tổ điều phối vùng Tây Nguyên tỉnh tham dự.
Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng năm 2024, tiến độ triển khai Quy hoạch vùng Tây Nguyên, sơ kết 1 năm thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên (Đề án 104) và đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, mỗi vùng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác nhau thì được giao các nhiệm vụ khác nhau, nhưng nhìn tổng thể, nhiệm vụ được giao của vùng Tây Nguyên được định hướng là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 vùng Tây Nguyên tuy còn khiêm tốn so với cả nước, nhưng các chỉ tiêu quan trọng đều tăng so với năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế của vùng năm 2024 đạt 4,85%, thuộc nhóm thấp của cả nước và chưa đạt mức bình quân mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030. GRDP bình quân đầu người xếp thứ 5/6 trong 6 vùng kinh tế - xã hội (trên vùng Trung du và Miền núi phía Bắc).
Phát triển kinh tế chưa có tính đột phá, các ngành kinh tế trọng điểm đóng góp chưa rõ nét. Tăng trưởng về nông nghiệp, lâm nghiệp chưa thật sự bền vững, chưa đóng vai trò là trụ đỡ cho phát triển vùng. Du lịch có bước phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc.
Thu hút FDI chưa có bước tiến đáng kể. Nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, huy động nguồn lực các địa phương trong vùng còn thấp. Hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin kết nối chưa đồng bộ. Thu nhập của người dân trong vùng còn thấp.
Theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng đang có xu hướng chậm lại, thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước; để đạt mục tiêu kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 của vùng và của cả nước, Tây Nguyên cần có các giải pháp khắc phục kịp thời.
Sớm hiện thực hóa chủ trương Đắk Nông là Trung tâm công nghiệp khai thác bô xít-alumin-nhôm
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, kết quả nổi bật đạt được và những khó khăn, vướng mắc.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành có liên quan hỗ trợ triển khai các dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin, sản xuất nhôm trên địa bàn tỉnh
Trong năm qua, Đắk Nông đang triển khai 03 dự án liên kết vùng trọng điểm, gồm: Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Dự án Nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông; Dự án đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê giai đoạn 2. Trong đó, Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là dự án trọng điểm quốc gia, đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. UBND tỉnh Đắk Nông đang tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng để đề xuất cấp có thẩm quyền, xem xét chấp thuận chủ trương các dự án.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ động đề xuất, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch khoáng sản, quy hoạch bô xít, vật liệu xây dựng, san lấp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, mặc dù đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, tháo gỡ nhưng đến nay, việc chồng lấn quy hoạch bô xít vẫn là khó khăn lớn nhất của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành có liên quan sớm rà soát, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản bô xít tại Quyết định số 866 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ triển khai các dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin, sản xuất nhôm; sớm hiện thực hóa chủ trương xác định Đắk Nông là Trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến bô xít-alumin-nhôm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, bổ sung “Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột huột (Đắk Lắk) và đoạn Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 – 2030.
Đối với các dự án điện gió, hiện nay, Chính phủ đã có Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Kính đề nghị Chính phủ, Bộ Cô Công Thương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cập nhật các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Về đất nông, lâm trường, trước đây đã bàn giao cho địa phương nhưng nay phần lớn đã bị lấn chiếm. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề xuất Chính phủ nên khảo sát thực trạng này ở khu vực Tây Nguyên để có hướng xử lý phù hợp, hài hoà lợi ích của nhân dân và nhà nước.
Đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm và xứng tầm
Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, các bộ và địa phương liên quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ đã được giao tại kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng và đề xuất các nhiệm vụ "trọng tâm và xứng tầm" để đưa vào Kế hoạch hoạt động vùng năm 2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chủ tịch Hội đồng vùng ban hành.
Các đại biểu theo dõi Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng và của từng địa phương. Tập trung nguồn lực thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã đặt ra tại Quy hoạch vùng; chủ động xây dựng các nhiệm vụ, đề án trọng tâm có tính chất liên vùng để đưa vào Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2026-2030 để tổ chức thực hiện.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách pháp luật, chính sách đặc thù vùng để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động phát triển của vùng, nhất là các chính sách về đất đai, quản lý đất rừng, đất nông lâm trường, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, tái định cư.
Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rà soát, đề xuất tháo gỡ ngay các khó khăn, dự án vướng mắc để hoàn thành đúng tiến độ. Các địa phương trong vùng tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả thực chất các luật và nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.
Các bộ, địa phương tập trung phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2025 và đẩy mạnh giải ngân số vốn đã được giao từ những tháng đầu năm để tiếp tục hoàn thành các công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt một số dự án trọng điểm đã có chủ trương đầu tư và đã giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai trong năm 2025. Triển khai sớm nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với các dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng chú ý hoàn thiện thủ tục đầu tư khởi công 2 dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương. Tỉnh Đắk Nông phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Phước và Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư khởi công cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: chinhphu.vn
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đề nghị các địa phương cần bố trí đủ nguồn lực ngân sách địa phương cho các dư án quan trọng, liên kết vùng để tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông liên kết vùng. Trong năm 2025, bằng nhiều giải pháp phải hoàn thành 03 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nghèo.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý chồng lấn quy hoạch bô-xít để đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có liên quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo, đề xuất hướng xử lý những diện tích đất nông, lâm trường đã bàn giao cho các địa phương nhưng bị người dân lấn chiếm.
Các Bộ, địa phương phấn đấu tăng trưởng hai con số theo đúng Công điện số 140 ngày 28/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra, đồng thời đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới, phát huy hết các tiềm năng lợi thế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương và cả nước.
H.C