Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về công tác y tế trên địa bàn tỉnh
Nhằm đẩy mạnh sự phát triển của hệ thống y tế tỉnh Đắk Nông, sáng 14/8, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đăk Nông về một số nội dung trọng điểm như: công tác phát triển mạng lưới y tế cơ sở, thực trạng bác sĩ bỏ việc, thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác Bộ Y tế có ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh; bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông Võ Thị Ái Liễu nêu nhiều nội dung đáng chú ý về công tác y tế 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của ngành y tế toàn tỉnh. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm ghi nhận 2.212 ca mắc/17 bệnh truyền nhiễm, có 02 ca tử vong (01 bệnh Dại và SXH). So với cùng kỳ năm 2023 giảm 370 trường hợp mắc, tử vong tăng 02 ca. Có 9 bệnh trong 6 tháng đầu năm số ca mắc tăng so với cùng kỳ như: Sốt xuất huyết Dengue (tăng 806 ca), Tay chân miệng (tăng 130 ca), Tiêu chảy (tăng 56 ca), Lao (tăng 26 ca) Cúm thường (tăng 19 ca).
Trong 6 tháng đầu năm 2024 và cùng kỳ 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không ghi nhận trường hợp mắc bệnh Bạch hầu, Sởi, Viêm não nhật bản, Uốn ván sơ sinh, Rubella; không ghi nhận trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc đối với bệnh Đậu mùa khỉ, bệnh Viêm gan lạ, bệnh Than, Marburg, Cúm A(H5N1).
Nhìn chung, ngành Y tế tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến. Do đó, công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng cao, chất lượng điều trị và phục vụ người bệnh từng bước được cải thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong toàn tỉnh, rút ngắn khoảng cách tiếp cận với các dịch vụ Y tế hiện đại.
Đã triển khai Chương trình hợp tác phát triển Y tế giữa Sở Y tế tỉnh Đắk Nông và Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Đề án Bệnh viện vệ tinh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Thông qua các Chương trình, Đề án, các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh đã triển khai nhiều gói dịch vụ kỹ thuật mới.
UBND tỉnh và ngành Y tế luôn quan tâm đến công tác cải tiến chất lượng bệnh viện và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh. Triển khai có hiệu quả lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT, người dân được tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe; có sự cạnh tranh giữa các cơ sở KCB; thúc đẩy nâng cao chất lượng KCB, nâng tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ Y tế.
Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám định bảo hiểm Y tế, chuẩn đoán, xét nghiệm, khám chữa bệnh hiệu quả và tiến tới liên thông dữ liệu trong khám, chữa bệnh giữa các tuyến.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, toàn ngành y tế tỉnh Đắk Nông vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Để có phương hướng đúng đắn trong thời gian tới, các đại biểu tham dự tại buổi làm việc đã trao đổi, chia sẻ vấn đề bám sát tình thực tế tại địa phương. Theo ông Phạm Khánh Tùng (Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp - Đắk Nông): Tình trạng đội ngũ y bác sĩ hiện nay thường không gắn bó lâu dài tại địa phương, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: cơ sở vật chất chưa đảm bảo; cơ chế đãi ngộ còn hạn chế, lương không đủ trang trải cuộc sống; áp lực chuyển giao các khoa học kỹ thuật tiên tiến trong khám chữa bệnh do thiếu nhân lực; thiếu sự hỗ trợ, chính sách tốt từ tỉnh; nhân dân chưa thật sự đặt niềm tin vào nền y tế tỉnh nhà…
Ông Phạm Khánh Tùng, Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp trao đổi, chia sẻ ý kiến
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đã chia sẻ những khó khăn đến đoàn công tác Bộ Y tế với hy vọng tìm được hướng tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, việc cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị Y tế ở các cơ sở Y tế tỉnh Đắk Nông vẫn còn hạn chế trong công tác đấu thầu, mua sắm do các văn bản hướng dẫn có nhiều thay đổi, quy định mới, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám và điều trị của các cơ sở Y tế; công tác tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp Y tế còn gặp khó khăn, thách thức, nguồn thu từ dịch vụ còn hạn chế; việc cắt giảm biên chế ngành Y tế trong những năm qua gây ra khó khăn lớn trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, không đảm bảo để đạt số bác sĩ trên vạn dân theo chỉ tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư nhưng hiện nay nhiều đơn vị đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị Y tế kỹ thuật cao; tình trạng thiếu vắc xin kéo dài, dẫn đến việc triển khai thực hiện chỉ tiêu “Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em” gặp nhiều tồn đọng vướng mắc…
Ông Hồ Văn Mười - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh, sự quyết tâm cao và tinh thần phấn đấu vươn lên chính là thuận lợi của toàn Đảng và toàn ngành Y tế Đắk Nông. Với những tiềm năng lớn, tỉnh đang phấn đấu trên hành trình phát triển ngành y tế đạt chất lượng cao. Lãnh đạo Tỉnh uỷ đã có nhiều cuộc họp nhằm xây dựng nền y tế mỗi ngày một phát triển. Đối với những tồn tại khó khăn, đặc biệt là nguồn lực, tỉnh đã có nhiều chính sách, Nghị quyết, cơ chế đãi ngộ đội ngũ y, bác sĩ, từ đó có phương hướng tháo gỡ tồn tại vướng mắc. Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh hy vọng Bộ Y tế có những chính sách giải quyết về nhân sự và trang thiết bị cho ngành y tế tỉnh Đắk Nông.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu kết luận buổi làm việc
Trước nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã ghi nhận và đưa ra nhiều phương hướng để có thể tháo gỡ cơ bản những khó khăn trước mắt trong công tác của ngành Y tế tỉnh Đắk Nông.
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đối với ngành Y tế. Qua buổi làm việc, Thứ trưởng đề nghị, để tháo gỡ khó khăn cần quan tâm hơn đến vấn để nguồn lực. Đối với những vấn đề nổi cộm, nên rà soát lại và có đề án tổng thể theo lộ trình hệ thống tổ chức; đồng thời đầu tư cơ sở vật chất để có đầy đủ trang thiết bị đáp ứng công tác khám chữa bệnh. Khi có đề án cụ thể mới nêu rõ những nội dung cần sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, giúp tháo gỡ khó khăn.
Liên quan đến y tế cơ sở, Thứ trưởng chia sẻ: Địa hình rộng dàn trải của tỉnh sẽ gây khó khăn, vì vậy cần áp dụng chuyển đổi số trong y tế, trang bị sự kết nối từ hệ thống cấp tỉnh đến huyện, xã. Từ đó chắc chắn mang lại sự chủ động hỗ trợ, linh hoạt trong quá trình khám, chữa bệnh của toàn hệ thống. Đối với các để xuất thành lập một số Trung tâm của tỉnh, cần làm theo lộ trình và bám sát thực tế tại địa phương.
N.N