Công nghiệp Đắk Nông và vai trò trụ cột nền kinh tế (kỳ 2): Khắc họa điểm nhấn
Đắk Nông đã xác định được các lĩnh vực mũi nhọn của ngành Công nghiệp. Hiện tỉnh đang triển khai các giải pháp căn cơ để đưa công nghiệp bứt phá, sớm đạt các mục tiêu nghị quyết đề ra
Nền tảng công nghiệp alumin - nhôm
Sản xuất alumin- luyện nhôm trong giai đoạn 2021-2023 tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong ngành Công nghiệp của Đắk Nông. Lĩnh vực này góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ đóng góp cho ngân sách địa phương với 350-400 tỷ đồng/năm
Những năm qua, Nhà máy Alumin Nhân Cơ luôn duy trì hoạt động sản xuất ổn định, góp sức rất lớn cho tăng trưởng trong khu vực công nghiệp Đắk Nông.
Nhà máy chiếm gần 40% trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, trở thành đơn vị trọng điểm trong việc đóng góp cho ngân sách địa phương, với 350-400 tỷ đồng/năm.
Lũy kế từ đầu nhiệm kỳ đến quý I/2023, tổng sản lượng alumin đã sản xuất được 1,6 triệu tấn tấn. Trong đó, sản lượng của các năm 2021- 2022 vượt chỉ tiêu so với kế hoạch 5 năm đã đề ra.
Dự án Alumin Nhân Cơ được xem là bước tạo nền tảng cho ngành công nghiệp bô xít-alumin của Đắk Nông. Nó cũng kích cầu phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ khác như: sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, xây dựng, giao thông vận tải, chế tạo cơ khí, thiết bị...
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Đắk Nông cần chú trọng phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy dự án liên hợp khai thác bô xít - alumin - nhôm theo đúng tinh thần Kết luận số 31-KL/TW, ngày 7/3/2022 của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "Đây chính là cơ hội để Đắk Nông thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp, nhất là công nghiệp vật liệu".
Nhà máy Alumin Nhân Cơ đang đóng góp gần 40% giá trị sản xuất công nghiệp của Đắk Nông
Đối với Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông, hiện chủ đầu tư đã được Ngân hàng MB cam kết cho vay đủ vốn để tiếp tục triển khai.
Chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với Tổng thầu EPC nước ngoài thực hiện các gói thầu cung cấp, lắp đặt toàn bộ hệ thống thiết bị cho Nhà máy.
Dự án thống nhất trong quý II/2024 sẽ hoàn thành. Phân kỳ 1 của Nhà máy sẽ đưa vào vận hành với công suất 150.000 tấn/năm. Quý II/2026, Nhà máy sẽ đạt công suất thiết kế, với 450.000 tấn/năm.
Việc đầu tư xây dựng Nhà máy điện phân nhôm, Đắk Nông khẳng định quan điểm trong khai thác và chế biến khoáng sản là chế biến sâu, nâng cao giá trị khoáng sản, không xuất bán sản phẩm thô.
Kỳ vọng năng lượng tái tạo
Phát triển năng lượng tái tạo là mũi nhọn thứ 2 được ngành Công nghiệp Đắk Nông đặt nhiều kỳ vọng. Nguồn năng lượng tái tạo hiện đang được các ngành tập trung rà soát, đề xuất tích hợp các dự án nguồn, lưới điện vào Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Đắk Nông đã đề xuất Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ cập nhật các dự án năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện VIII, làm cơ sở để kêu gọi đầu tư, khai thác tiềm năng của tỉnh.
Đắk Nông có 6 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung quy hoạch
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án Nhà máy điện mặt trời đã vận hành, với tổng công suất 106,4MWp; 1 Nhà máy điện gió đã vận hành phát điện thương mại. Các dự án điện còn lại đang triển khai đầu tư xây dựng, thực hiện đàm phán giá phát điện theo quy định hiện hành.
Trên địa bàn tỉnh có 6 dự án điện gió, với tổng công suất 430 MW đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung quy hoạch gồm: Dự án Điện gió Đắk Hòa (50 MW); Dự án Điện gió Nam Bình 1 (30 MW); Dự án Điện gió Đắk N’Drung 1 (100 MW), Đắk N’Drung 2 (100 MW), Đắk N’Drung 3 (100 MW); Dự án Điện gió Asia Đắk Song 1 (50 MW).
Đắk Nông hiện có 5 dự án điện mặt trời nối lưới đã được bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực gồm: Dự án Nhà máy điện mặt trời Đức An (30 MW), Dự án Điện mặt trời Xuyên Hà (130 MWp), Dự án Điện mặt trời Cư K’nia (180 MWp), Dự án Điện mặt trời Ea T’ling (95 MWp), Dự án Điện mặt trời KN Buôn Tua Srah (390 MWp).
Nhìn chung, việc đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo đều phù hợp với định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Các dự án góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách cho địa phương.
Ưu tiên cho những đột phá
Giai đoạn 2021 – 2025, Ðắk Nông phấn đấu đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16%/năm. Trong đó, 4 lĩnh vực nội ngành phấn đấu sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, công nghiệp khai khoáng tăng 3,03%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 31,04%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 24,93%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV
Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công thương cho hay, để ngành Công nghiệp phát triển, giữ vị trí dẫn đầu trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh, ngành Công thương sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp.
Trong đó, ngành Công thương tập trung tham mưu các chính sách ưu đãi như miễn, giảm tiền thuê mặt bằng, tiền sử dụng đất, thuế, nguồn vốn hỗ trợ…
Đây là cơ sở để khuyến khích, thu hút các dự án phát triển công nghiệp bô xít - alumin – nhôm, năng lượng tái tạo và các dự án chế biến nông sản công nghệ cao từ nguồn nguyên liệu của tỉnh.
Đắk Nông đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu cho nông sản
Cũng theo ông Út, ngành Công thương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy trình, thủ tục theo hướng thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.
Trong 2 năm qua, Đắk Nông đã kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư lớn vào khảo sát, nghiên cứu, đề xuất dự án bô xít - alumin - nhôm và chế biến sâu các sản phẩm từ nhôm, các dự án năng lượng tái tạo.
Điển hình là các nhà đầu tư như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH...
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về các dự án đầu tư
Ngành Công thương đang tập trung theo dõi, tham mưu cho tỉnh xử lý kiến nghị các chủ đầu tư dự án trọng điểm như: Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ; Dự án Nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân...
“Đắk Nông sẽ từng bước xây dựng được cụm liên kết phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm; phát triển cụm liên kết sản xuất - chế biến - chế biến sâu - tiêu thụ nông sản. Đây sẽ là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp “đầu tàu”, dẫn dắt ngành Công nghiệp của tỉnh bứt phá”.
Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công thương Đắk Nông
Theo baodaknong.vn