Thứ Hai, 14/08/2023 10:38:00 GMT+7
Sẽ nâng công suất ở Đắk Nông và đầu tư mới các dự án khai thác bô xít
Lượt xem: 5429
Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ mở rộng, nâng công suất mỏ Tây Tân Rai và mỏ Nhân Cơ đồng thời đầu tư mới các dự án khai thác mỏ tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và Gia Lai.
Đầu tư mới 3 dự án khai thác ở miền Bắc
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó khẳng định bô xít là khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng ở Việt Nam.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thực hiện 19 đề án thăm dò tại Lạng Sơn, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và Gia Lai với mục tiêu trữ lượng đạt khoảng 1.709 triệu tấn quặng nguyên khai.
Sau khi có kết quả điều tra đánh giá địa chất tại các khu vực có triển vọng giai đoạn 2021 - 2030 sẽ xem xét thăm dò các mỏ mới được phát hiện.
Về khai thác, quy hoạch đặt mục tiêu đến 2030 duy trì đạt công suất thiết kế các mỏ hiện có, mở rộng nâng công suất mỏ Tây Tân Rai và mỏ Nhân Cơ.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu đầu tư mới các dự án khai thác mỏ tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Gia Lai với tổng công suất khai thác đến năm 2030 đạt khoảng 68,150 - 112,200 triệu tấn nguyên khai/năm.
Tại miền Bắc sẽ đầu tư mới 3 dự án khai thác tuyển quặng bô xít ở Lạng Sơn, Cao Bằng với tổng công suất từ 1.550.000 - 2.250.000 tấn quặng nguyên khai/năm.
Việt Nam sẽ đẩy mạnh thăm dò, khai thác quặng bô xít trong những năm tới. Ảnh: TTXVN
Đối với các mỏ bô xít khu vực Tây Nguyên (gần khu đông dân cư) xem xét thăm dò và cấp phép khai thác sớm để thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản và được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với các mỏ bô xít khu vực miền Bắc có chất lượng thấp, thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản, cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng trọt, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu theo sự cho phép của các cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Nâng công suất 3 lần hai nhà máy alumin
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, đầu tư nâng công suất 2 nhà máy alumin Tân Rai - Lâm Đồng và Nhân Cơ - Đắk Nông từ 650.000 tấn/năm lên khoảng 2.000.000 tấn/năm.
Việc nâng công suất sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 nâng công suất lên 800.000 tấn alumin/năm, giai đoạn 2 đầu tư mở rộng với công suất 1.200.000 tấn alumin/năm.
Ngoài ra, đầu tư mới các dự án sản xuất alumin tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Gia Lai với công suất tối thiểu từ 1.000.000 tấn alumin/năm/dự án trở lên.
Quy hoạch nêu tiêu chí, dự án đầu tư mới sản xuất alumin phải có công nghệ tiên tiến, trong đó công nghệ xử lý bùn đỏ phải sử dụng phương pháp thải khô, đảm bảo môi trường và khuyến khích có dự án sản xuất vật liệu xây dựng từ bùn đỏ. Địa điểm do nhà đầu tư và địa phương lựa chọn phù hợp với đổ thải bùn đỏ, gần khu vực mỏ tuyển.
Dự kiến đến năm 2030, tổng công suất sản xuất alumin đạt từ 11.600 - 18.650 nghìn tấn/năm.
Về sản xuất nhôm kim loại, từ nay đến 2030 sẽ hoàn thành thí điểm dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông với công suất từ 300.000 tấn nhôm thỏi/năm, mở rộng 450.000 tấn nhôm thỏi/năm.
Đầu tư mới các dự án sản xuất nhôm kim loại tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và các tỉnh có đủ nguồn năng lượng phù hợp. Tổng công suất đến năm 2030 từ 1.200.000 - 1.500.000 tấn nhôm thỏi/năm.
Quy hoạch nêu, vị trí các nhà máy có thể đặt tại các tỉnh có nguồn nguyên liệu và nguồn năng lượng. Nhà máy điện phân nhôm mới phải thực hiện theo cơ chế thị trường, khuyến khích đầu tư các dự án năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo một phần năng lượng trên các vùng mỏ bô xít đã khai thác và sản xuất các sản phẩm chế biến từ nhôm.
Ngoài ra, việc thăm dò, khai thác khoáng sản bô xít, sản xuất alumin, nhôm kim loại phải đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, cung cấp điện, nước, đảm bảo về môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Đặc biệt, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ sinh thái.
Theo baodaknong.vn