Đắk Nông lần đầu tiên có bảo vật quốc gia
Lượt xem: 198
Đàn đá Đắk Sơn, hiện đang lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Đắk Nông là 1 trong 33 hiện vật vừa được Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt 13. Đây là lần đầu tiên tỉnh Đắk Nông có hiện vật được công nhận danh hiệu này.
Anh-tin-bai

Đàn đá Đắk Sơn là hiện vật đầu tiên của tỉnh Đắk Nông được công nhận là bảo vật quốc gia

Theo Bảo tàng tỉnh Đắk Nông, đàn đá Đắk Sơn là hiện vật gốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mang tính độc bản, độc đáo điển hình. Với niên đại xác thực, được chế tác tại chỗ và có nguồn gốc bản địa, đàn đá không chỉ sở hữu giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc mà còn là một sưu tập nhạc cụ tiêu biểu và cổ xưa nhất. Do đó, việc đàn đá Đắk Sơn được công nhận là bảo vật quốc gia là hoàn toàn xứng đáng.

Đàn đá Đắk Sơn được phát hiện năm 2014 tại thôn Đắk Sơn, xã Nam Xuân, huyện K'rông Nô, tỉnh Đăk Nông được đặt tên là Đàn đá Đắk Sơn. Bộ đàn đá này gồm có 16 thanh, trong đó có 11 thanh còn nguyên vẹn, 5 thanh đã bị gãy đôi hoặc thành nhiều đoạn nhưng có thể gắn chắp nguyên dạng. 

Tháng 8/2016, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ tổ chức Hội đồng giám định và đưa ra kết luận về nhiều phương diện.

Theo đó, các thanh đàn đá Đắk Sơn được chế tạo từ loại đá Rhyolite (đá phiến biến chất). Căn cứ vào kỹ thuật chế tác và tần số âm thanh, các nhà khoa học đã khẳng định Đàn đá Đắc Sơn thuộc truyền thống đàn đá N'Dut Liêng Krak, là bộ sưu tập đàn đá cổ có niên đại khoảng 3.000 năm. 

Các chuyên gia nhận định sưu tập Đàn đá Đắk Sơn là sưu tập đàn đá có giá trị văn hóa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên. Đây là “những sáng tạo văn hóa nghệ thuật bản địa”, tạo lập một không gian văn hóa tinh thần vùng cao nguyên Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ trong gần một thiên niên kỷ.

Anh-tin-bai

Bộ Đàn đá Đắk Sơn hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Đắk Nông

Cho đến ngày nay, đàn đá vẫn là một loại hình nhạc cụ quý hiếm còn được lưu truyền và sử dụng trong dân gian. Chúng vừa là những nhạc cụ cũng vừa là những vật biểu trưng mang tính nghi lễ trong đời sống văn hóa tinh thần của các cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên.

Với người đồng bào M'Nông sinh sống trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông, đàn đá thể hiện sự giao hòa, chinh phục của con người đối với thiên nhiên. Với ý nghĩa linh thiêng đó, đàn đá thường được trình tấu trong những ngày lễ hội như: Lễ cúng Yang, lễ mừng lúa mới, mừng được mùa,... Người M'nông xưa quan niệm rằng, thanh âm của đàn đá là sợi dây linh thiêng, là phương tiện để nối liền giữa con người với trời đất thần linh, nối quá khứ với hiện tại và hướng con người đến những điều tốt đẹp trong tương lai. 

Sưu tập Đàn đá Đắk Sơn không chỉ là cứ liệu vật thật, minh chứng cho đời sống văn hóa tinh thần rất đa dạng, phong phú của cư dân bản địa tỉnh Đắk Nông mà còn khẳng định đây là sưu tập có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, có nguồn gốc bản địa, được sản xuất tại chỗ trên vùng đất Tây Nguyên thời tiền sử.

Ngoài Đàn đá Đắk Sơn, có 32 hiện vật, nhóm hiện trong cả nước được công nhận bảo vật quốc gia đợt này. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu ngành, tổ chức và tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. 

 

Hà Hương

 

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 18° - 21° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1