Dấu ấn cuộc tiếp xúc cử tri lần đầu sau sáp nhập
Lượt xem: 28
Hội trường đông đúc, ai cũng phấn khởi kỳ vọng lớn vào chính quyền 2 cấp; lãnh đạo mới thể hiện tinh thần, quyết tâm mạnh mẽ hơn. Đó là dấu ấn đặc biệt ở cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khi chính quyền 2 cấp chính thức đi vào hoạt động.
Anh-tin-bai
ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trò chuyện với cử tri tại cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9

 Khác với các cuộc tiếp xúc cử tri trước, cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV mới đây, ở hội trường xã Hàm Liêm của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, ở các xã, phường khác nói chung đông đúc hơn. Điều này xuất phát từ một sự thay đổi lớn của đất nước khi chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Mô hình mới này không chỉ khắc phục tình trạng cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, mà còn là cơ sở quan trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã - nơi gần dân, sát dân. Điều đó góp phần tạo nên bầu không khí mới trong cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên sau khi cả nước đi vào vận hành bộ máy mới của chính quyền địa phương 2 cấp.

Anh-tin-bai
Nhiều cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp
 
Cử tri ai cũng kỳ vọng lớn vào chính quyền 2 cấp vận hành hiệu quả, phục vụ tốt Nhân dân. Có nhiều ý kiến, kiến nghị với đại biểu Quốc hội cũng như chính quyền mới. Trong số ý kiến ấy chủ yếu là vấn đề chính sách cho người có công, đất đai, vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép. Cử tri Trần Văn Thanh ở Hàm Liêm cho biết: “Vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép, chúng tôi kiến nghị rất nhiều trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước đây nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để. Tôi tin tưởng vào chính quyền 2 cấp, tới đây sẽ làm quyết liệt hơn”.

Cũng như các cuộc tiếp xúc khác, sau phần kiến nghị của cử tri là phần giải trình của người đứng đầu địa phương, các ngành có liên quan, rồi cuối cùng ĐBQH kết luận. Ở cuộc tiếp xúc này, người đứng đầu lắng nghe và hứa sẽ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình với cử tri. Bởi họ ý thức được vai trò, trách nhiệm rất lớn của một ĐBQH sau sáp nhập...

Tại buổi tiếp xúc, ĐBQH thể hiện tốt vai trò một người đại biểu của Nhân dân, trao đổi, thông tin với cử tri tất cả những gì liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước khi cử tri chưa rõ. Vấn đề về chính sách cho người cao tuổi là một điển hình, cử tri mong muốn tất cả người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên được nhận trợ cấp hưu trí xã hội, không phân biệt người đã được hưởng lương hưu và chế độ khác.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội giải thích, từ ngày 1/7/2025, người cao tuổi 75 tuổi trở lên không hưởng lương hưu và bất cứ khoản gì khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Có nghĩa là người cao tuổi yếu thế không có thu nhập gì thì được hưởng, còn những người đã có lương hưu hoặc chế độ trợ cấp khác hàng tháng thì không. Vì đất nước ta vẫn còn khó khăn, nếu hỗ trợ cho tất cả người có lương hưu hoặc chế độ trợ cấp khác thì không đủ lực...

Cử tri tỏ ra đồng tình với ĐBQH, đồng thời kỳ vọng lớn vào chính quyền 2 cấp sẽ giải quyết tốt những khó khăn, bức xúc của Nhân dân. Đó là những dấu ấn đặc biệt ở cuộc tiếp xúc cử tri lần đầu sau sáp nhập.

Theo Báo Lâm Đồng

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1