Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020
Lượt xem: 23286

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV ngày 13/11/2020 đã thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020. Luật Thỏa thuận quốc tế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021; Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế số 33/2007/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế và thống nhất cho rằng việc ban hành Luật sẽ góp phần tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, bảo đảm thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng nhu cầu ký kết thoả thuận quốc tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, nhất trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Những nội dung chính:

Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 gồm 7 chương, 52 điều. Riêng trong Chương II: Ký kết thỏa thuận quốc tế có 24 điều (từ Điều 8 đến Điều 31), trong đó có 10 mục:

Mục 1: Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ.

Mục 2: Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước.

Mục 3: Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Mục 4: Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Mục 5: Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan Nhà nước cấp tỉnh.

Mục 6: Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới.

Mục 7: Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan Trung ương của tổ chức và cơ quan cấp tỉnh của tổ chức.

Mục 8: Ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức; thỏa thuận quốc tế liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư; thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

Mục 9: Hồ sơ lấy ý kiến, hồ sơ trình và trách nhiệm cho ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế.

Mục 10: Ký thỏa thuận quốc tế trong chuyến thăm của Đoàn cấp cao.

Luật Thoả thuận quốc tế năm 2020 quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Luật Thoả thuận quốc tế năm 2020 không điều chỉnh việc ký kết, thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài theo pháp luật về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo pháp luật về dân sự; hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thoả thuận quốc tế (Khoản 1 Điều 2)

Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.

Hiện hành theo Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế 2007 (Pháp lệnh) quy định:

Thỏa thuận quốc tế là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan nhà nước ở Trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan Trung ương của tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với một hoặc nhiều bên ký kết nước ngoài, trừ các nội dung sau đây:

- Hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia;

- Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tương trợ tư pháp;

- Tham gia tổ chức quốc tế liên Chính phủ;

- Hỗ trợ phát triển chính thức thuộc quan hệ cấp Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam;

- Các vấn đề khác thuộc quan hệ cấp Nhà nước hoặc Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Thoả thuận quốc tế không phải là điều ước quốc tế (Điều 6)

Thỏa thuận quốc tế được ký kết với tên gọi là thỏa thuận, thông cáo, tuyên bố, ý định thư, bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận, biên bản trao đổi, chương trình hợp tác, kế hoạch hợp tác hoặc tên gọi khác, trừ tên gọi đặc thù của điều ước quốc tế bao gồm công ước, hiệp ước, định ước, hiệp định.

Trong khi đó, điều ước quốc tế được quy định tại Luật điều ước quốc tế 2016 là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.

Ngôn ngữ sử dụng trong thỏa thuận quốc tế (Điều 7)

Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm dịch thỏa thuận quốc tế đó ra tiếng Việt.

Thẩm quyền ký kết thoả thuận quốc tế của UBND cấp xã (Khoản 6 Điều 3)

UBND cấp xã ở khu vực biên giới chỉ ký kết thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài là chính quyền địa phương cấp tương đương về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác thực hiện quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh: chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế của cơ quan mình và của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới thuộc phạm vi quản lý. (Khoản 2 Điều 47).

Hiệu lực của thỏa thuận quốc tế (Điều 32) 

Thỏa thuận quốc tế có hiệu lực theo quy định của thỏa thuận quốc tế đó.

Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế không quy định về hiệu lực thì thỏa thuận quốc tế đó có hiệu lực theo sự thống nhất bằng văn bản giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

Thoả thuận quốc tế có thể được ký kết với cá nhân nước ngoài (Khoản 3 Điều 2)

Cụ thể, theo quy định mới bên ký kết nước ngoài bao gồm Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài, tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài.

Hiện hành Điều 3 Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế 2007 không có quy định về cá nhân nước ngoài.

Bên ký kết Việt Nam bao gồm:

- Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ;

- Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước;

- Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh...

Như vậy, theo quy định mới thì thoả thuận quốc tế có thể được ký kết giữa bên ký kết Việt Nam và cá nhân nước ngoài.

Quy định chuyển tiếp

Thỏa thuận quốc tế chưa được ký kết trước ngày Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 có hiệu lực thi hành nhưng đã được tiến hành theo trình tự, thủ tục ký kết quy định tại Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế số 33/2007/PL-UBTVQH11 và Quyết định số 36/2018/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục ký kết, thực hiện thỏa thuận nhân danh Chính phủ và kiến nghị Chủ tịch nước quyết định ký kết thỏa thuận nhân danh Nhà nước không phải là điều ước quốc tế thì được tổ chức việc ký kết theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật này mà không phải tiến hành lại theo trình tự, thủ tục ký kết quy định tại Luật này.

Đối với thỏa thuận quốc tế đã được ký kết theo quy định tại Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế số 33/2007/PL-UBTVQH11 và Quyết định số 36/2018/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục ký kết, thực hiện thỏa thuận nhân danh Chính phủ và kiến nghị Chủ tịch nước quyết định ký kết thỏa thuận nhân danh Nhà nước không phải là điều ước quốc tế, bên ký kết Việt Nam tổ chức thực hiện và tiến hành sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Thoả thuận quốc tế năm 2020./.

Tải về

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài Chính

Đánh giá - Nhận xét

3.2
6 Nhận xét
  • 1
  • 3
  • 0
  • 0
  • 2
Đắk Nông 23° - 26° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1