Thứ Tư, 13/11/2024 11:45:00 GMT+7
Ứng dụng công nghệ số - Cô gái trẻ Thị Thanh góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống người Tây Nguyên
Lượt xem: 53
Chị Thị Thanh, ở bon Đắk B'lao, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp lập nghiệp với nghề dệt thổ cẩm, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống. Cùng với lòng nhiệt huyết, tinh thần say mê và tìm tòi học hỏi, không chỉ dệt sản phẩm theo đơn đặt hàng của bà con trong bon, chị Thanh còn chủ động vận dụng sáng tạo công nghệ số để đi tìm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Từ năm 13 tuổi, chị Thanh đã được bà nội dạy học dệt. Trải qua thời gian luyện tập và trau dồi, dưới bàn tay khéo léo và thoăn thoắt, những họa tiết cách điệu đẹp mắt, màu sắc rực rỡ dần được chị thể hiện trên tấm thổ cẩm.
Bằng tư duy đổi mới và tình yêu văn hóa dân tộc, cô gái 31 tuổi đã chuyển từ việc tận dụng thời gian rảnh rỗi để dệt những tấm thổ cẩm dùng trong gia đình trở thành việc theo nghề dệt thổ cẩm nghiêm túc lâu dài, làm nên những sản phẩm đẹp mắt, thu hút khách hàng, tạo ra thu nhập. Chị đã đầu tư mua thêm nguyên liệu, gia cố lại khung dệt, học cách dệt năng suất hơn. Hiện tại trung bình 1 tuần, chị Thanh có thể dệt được khoảng 3 chiếc áo thành phẩm. Mỗi tháng, công việc cũng giúp chị có thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng.
Với mong muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa thổ cẩm đến mọi tầng lớp, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chị Thanh đã chủ động ứng dụng sáng tạo công nghệ số trong việc bán sản phẩm truyền thống. Tận dụng các nền tảng mạng xã hội được người dùng sử dụng phổ biến như: zalo, facebook, tiktok, chị đã tích cực đăng tải bài viết bán các sản phẩm của mình làm ra như túi, quần áo thổ cẩm... Song song với đó, liên kết với các chị em khác trong bon tham gia dệt thổ cẩm cùng mình để tăng năng suất, làm ra được nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Không chỉ theo đuổi nghề dệt, chị Thị Thanh còn kết nối với các hộ dân trong bon sản xuất rượu cần truyền thống để bán. Nhu cầu tiêu thụ ban đầu chủ yếu phục vụ trong lễ, tết và các dịp quan trọng của các gia đình trong bon. Nhờ vào tính lan tỏa của mạng xã hội, nhiều khách hàng từ các tỉnh thành khác đã biết đến và ủng hộ mua sản phẩm rất nhiều. Công việc không chỉ giúp chị Thanh, người dân trong bon có thêm thu nhập mà còn giúp bà con thêm yêu quý và giữ gìn văn hóa truyền thống.
Có thể thấy, với lòng say mê vốn có và tinh thần vận dụng sáng tạo công nghệ số, chị Thị Thanh là tấm gương sáng đáng hoan nghênh về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế trong thanh niên trên địa bàn.
K.H