“Mở lối” cho công nghiệp nông thôn
Lượt xem: 1849
Công nghiệp nông thôn (CNNT) chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu của nền kinh tế. Phát triển CNNT không chỉ trực tiếp góp phần phát triển ngành công nghiệp nói chung, mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng thêm lượng hàng hóa và gia tăng tốc độ phát triển cho nền kinh tế.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 2.800 cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong đó, phần lớn là các cơ sở CNNT, với các sản phẩm chế biến chủ yếu như: cà phê, tiêu, điều, mắc ca, ca cao, chanh dây…

Tận dụng vùng nguyên liệu tại chỗ

Năm 2022, sản phẩm bột ca cao và socola miếng Duy Nghĩa của HTX Nông nghiệp Krông Nô (Krông Nô) được công nhận sản phẩm CNNT cấp tỉnh.

Mỗi năm, HTX đang cung ứng ra thị trường gần 8 tấn sản phẩm socola các loại. Hiện tại, ngoài nguồn nguyên liệu thu mua từ các xã viên, HTX đang liên kết với các hộ dân lân cận để trồng và bao tiêu nguyên liệu.

“Việc chế biến sản phẩm gần nguồn nguyên liệu tại chỗ đã giúp giải quyết tốt nhiều vấn đề cho cơ sở như: giảm chi phí vận chuyển về kho chế biến; sản phẩm sau thu hoạch được đưa vào chế biến ngay, giúp bảo đảm về chất lượng; chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất…”, ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX chia sẻ.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX hiện đang tập trung mạnh cho các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Sau khi có chứng nhận, đơn vị rất tự tin để đưa sản phẩm đi quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường.

Bởi, sản phẩm đã minh chứng được việc kiểm soát chặt chẽ nguồn vào, quy trình sản xuất, đánh giá thị trường, sản lượng tiêu thụ hàng năm…

Hiện tại, một số siêu thị, chuỗi cung ứng hiện đại đã đặt vấn đề với HTX để được cung ứng sản phẩm. Các bên đang làm việc để thống nhất các nội dung liên quan và dự kiến đưa sản phẩm ca cao và socola lên kệ phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Anh-tin-bai

Phân loại hạt mắc ca tại HTX Nông nghiệp Long Việt (Tuy Đức)

HTX Nông nghiệp Long Việt (Tuy Đức) hiện đang cung ứng ra thị trường bình quân gần 100 tấn sản phẩm mắc ca sấy mỗi năm.

Để phục vụ cho hoạt động chế biến, HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị như: máy xay vỏ xanh, máy sấy, máy hút chân không, máy đóng gói... Ngoài thị trường trong nước, HTX đang tự tin đưa sản phẩm mắc ca rang sấy sang cung ứng cho các đối tác ở nước bạn Campuchia.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc HTX cho biết, việc chế biến sản phẩm mắc ca ngay tại vùng trồng đã giúp giảm bớt khâu thu mua trung gian, nâng cao giá trị sản phẩm cho bà con. Sản phẩm tiếp cận với đa dạng thị trường, giúp mở rộng và chủ động được đầu ra cho nông sản địa phương.

Hiện tại, HTX đang giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động tại chỗ, với thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Giai đoạn 2012-2022, toàn tỉnh có 48 sản phẩm của 47 cơ sở đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Trong đó, có 33 cơ sở được nguồn quỹ khuyến công hỗ trợ về: ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tham gia các hội chợ; tìm kiếm phát triển thị trường… Các cơ sở CNNT mang đến thu nhập cho người lao động bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Chiến lược mới nhiều kỳ vọng

Để phát triển sản phẩm công nghiệp khu vực nông thôn, Đắk Nông đang khuyến khích các nhà máy chế biến nông, lâm sản hiện có đổi mới trang thiết bị, dây truyền công nghệ tiên tiến, hiện đại. Từ đó vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.

Tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp mới; trong đó, tập trung vào các sản phẩm có lợi thế như: cà phê, tiêu, điều, cao su, cây ăn quả, gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm từ chăn nuôi như thịt gia súc, gia cầm, mật ong, chế biến thức ăn gia súc...

Anh-tin-bai

 

Trong giai đoạn 2026-2030, Đắk Nông đặt chiến lược thu hút đầu tư các dự án chế biến cà phê, nâng công suất chế biến cà phê nhân lên 350.000 - 400.000 tấn/năm; cà phê bột từ 8.000 - 10.000 tấn/năm.

Đến năm 2030, địa phương tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án chế biến điều, nâng công suất chế biến lên từ 15.000 - 20.000 tấn/năm; các dự án chế biến hồ tiêu để nâng công suất chế biến lên từ 40.000 - 45.000 tấn/năm; các dự án chế biến đậu phộng, đậu nành sấy để nâng công suất lên từ 15.000 - 20.000 tấn/năm; tiếp tục thu hút các dự án chế biến trái cây, hoa quả.

Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn khuyến công cho phát triển sản xuất, sản phẩm CNNT tiêu biểu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ngành sẽ hỗ trợ tích cực các cơ sở tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giao thương, kết nối cung-cầu để đưa các sản phẩm đến nhanh với thị trường.

Chương trình khuyến công tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư khoảng 71,2 tỷ đồng để tổ chức thực hiện một số nội dung như: đào tạo nghề, truyền nghề cho khoảng 100 lao động tại các cơ sở sản xuất CNNT gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ xây dựng được 3 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ 57 cơ sở sản xuất CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất…

Ngành Công thương sẽ tính toán xây dựng các đề án, cơ chế chính sách để thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Từ đó khuyến khích bà con, cơ sở CNNT, HTX, hộ kinh doanh cá thể mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Lúc đó, chính bà con sẽ chủ động khắc phục tình trạng cố hữu “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa”.

Giai đoạn 2026-2030, Đắk Nông phấn đấu đưa Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng bình quân 18,8%/năm. Tỷ trọng ngành Công nghiệp trong GRDP đạt 23%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% và tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu khoảng 20%.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử 

 

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 22° - 23° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1