Nông nghiệp Ðắk Nông tự tin bứt phá
Lượt xem: 2628
Tỉnh Ðắk Nông xác định nông nghiệp là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế. Sản xuất chủ động, thích ứng biến đổi khí hậu, tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao giá trị sản xuất là mục tiêu phát triển của nông nghiệp Ðắk Nông từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Nông nghiệp Đắk Nông đang phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao và khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế.

Năm 2021, tổng sản phẩm nông nghiệp đạt 13.193 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,11%; tốc độ tăng trưởng khá, đạt 4,45% và giữ vai trò là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân hơn 86 triệu đồng/ha.

Hình thành nền nông nghiệp chủ động

Năm 2021, anh  Trần Thanh Tuấn, thôn 9, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đầu tư xây dựng 2.200m2 nhà lưới để sản xuất dưa Baby. Toàn bộ vườn dưa được anh lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Để có nguồn nước sạch tưới cho vườn cây, anh khoan giếng, mua bồn chứa, xử lý nước trước khi tưới.

Vụ dưa đầu, anh thu hoạch được hơn 30 tấn quả, bán giá dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 270 triệu đồng. Hiệu quả từ vườn dưa đầu đã giúp anh mạnh dạn đầu tư thêm 5 căn nhà lưới rộng từ 2.200 - 3.2000m2 để sản xuất các loại rau, củ, quả.

Hiện nay, nhà kính trồng cà chua Best rộng 2.200m2 đang chuẩn bị cho thu hoạch. Anh Tuấn dự kiến sẽ thu được khoảng 40 tấn cà chua, giá thị trường hiện nay từ 25.000 – 35.000 đồng/kg.

Nhà lưới trồng ớt chuông đang được anh xuống giống. Anh Tuấn đang tập trung sản xuất chuyên canh một số loại rau củ quả như dưa Baby, cà chua Best, ớt chuông…

Anh-tin-bai

Nhờ đầu tư nhà lưới khá bài bản nên vườn dưa Baby của gia đình anh Tuấn được sản xuất một cách chủ động, hiệu quả

Anh Tuấn cho biết, sản xuất trong nhà lưới rất chủ động. Nó giúp kiểm soát 80% rủi ro, không còn phụ thuộc vào thời tiết, giảm được các loại sâu bệnh gây hại.

Điều quan trọng hơn, sản xuất theo phương thức này đã giảm được chi phí thuốc trừ sâu, thời gian thu hoạch dài hơn nhiều so với trồng bên ngoài trời, hiệu quả kinh tế mang lại lớn hơn.

Để nguồn sản phẩm đạt chất lượng, anh Tuấn nhập giống từ Nhật Bản, Thái Lan, Úc về trồng. Cùng với đó, anh đã kết nối đầu ra với các chợ đầu mối và cung cấp hàng ổn định cho thị trường.

Anh có 15 ha đất và dự kiến tiếp tục đầu tư thêm nhà lưới để sản xuất rau, củ, quả. Anh sẽ hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn để cung cấp nguyên liệu một cách chuyên nghiệp.

Năm 2022, tin vui đã đến với gia đình anh Trần Văn Phú, ở xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) khi cà phê của anh được Viện chất lượng cà phê thế giới (CQI) cấp chứng nhận "Cà phê đặc sản" với hơn 600kg.

Anh Phú có 11 ha cà phê, anh sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C từ năm 2014. Anh bỏ rất nhiều công sức để học tập, đầu tư máy móc thực hiện các quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao, rồi cà phê đặc sản.

Thời gian qua, anh bán cà phê với giá cao hơn giá thị trường từ 50% - 100%. Anh đã thành lập HTX Nông nghiệp thương mại công bằng Đắk Ka, với vùng nguyên liệu cà phê hơn 100ha, sản lượng 300 tấn/vụ.

Anh Phú chia sẻ, HTX đang giảm lượng phân bón hoá học, thuốc BVTV, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng. Điều này giúp cải tạo đất, nuôi dưỡng các hệ sinh vật có lợi trong môi trường sản xuất.

"Tôi thay đổi quy trình canh tác, sản xuất cà phê chất lượng cao để nâng cao giá trị hạt cà phê. Giờ đây, tôi đã tiếp cận thành công và giữ vị trí trong chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao", anh Phú chia sẻ.

Anh-tin-bai

Toàn tỉnh có trên 85.000 ha cây trồng các loại ứng dụng một phần công nghệ cao trong sản xuất, tổng sản lượng ước đạt 312.000 tấn/năm. Trong đó, có trên 26.000 ha cây trồng các loại có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ Certified, GlobalGAP, Organic…

Có khoảng 5.000 ha cây trồng các loại áp dụng các hệ thống tưới tiên tiến, tiết  kiệm nước; khoảng 380 ha mô hình nhà lưới, nhà  kính, nhà  màng; 30.000 ha cây trồng các loại ứng dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, quy trình “3 giảm – 3 tăng” – ICM; tái canh cà phê đạt 23.100 ha cà phê...

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, sản xuất nông nghiệp càng ứng dụng khoa học công nghệ càng chủ động, giảm bớt phụ thuộc vào các yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu, giá cả thị trường, khâu tiêu thụ...

Anh-tin-bai

Động lực từ công nghệ cao

Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên, đáp ứng yêu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, Đắk Nông xem việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất là giải pháp cốt lõi.

Giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh xây dựng 55 vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chí vùng ƯDCNC, với khoảng 23.465 ha. Giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1 ha cây trồng đạt từ 100 triệu đồng vào năm 2025, từ 140 triệu đồng vào năm 2030.

Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt 20 - 25% vào năm 2025; 30 - 40% vào năm 2030.

Năm 2050, Đắk Nông nằm trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Giá trị nông sản ƯDCNC chiếm ít nhất 70% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. Đắk Nông phát triển thành trung tâm chế biến nông sản chất lượng cao.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT đánh giá, với nhiều yếu tố thuận lợi, Đắk Nông hội tụ những tiềm năng, lợi thế và còn dư địa rất lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh hoàn toàn tự tin bứt phá trong thời gian tới.

Trước mắt, sản xuất nông nghiệp sẽ giảm tỉ trọng nhóm cây lương thực, ổn định nhóm cây lâu năm và hàng năm. Nhóm cây ăn quả, rau xanh, hoa, cây cảnh, dược liệu... cũng sẽ được tỉnh định hình một cách ổn định.

Tỉnh từng bước tăng tỉ trọng giá trị cây mắc ca và các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao. Sản xuất nông nghiệp ngoài ƯDCNC còn mở rộng thị trường tiêu thụ và áp dụng công nghiệp chế biến sâu. Cùng với đó, ngành nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số một cách phù hợp, hiệu quả...

Theo Báo Đắk Nông điện tử

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 26° - 27° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1