Dù xuất phát điểm thấp, nhưng với sự chung sức, đồng lòng của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc, Ðắk Nông đang dần khẳng định được vị thế của mình. Với tiềm lực ngày càng vững mạnh, Ðắk Nông đang hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng trong giai đoạn mới để có thể sánh vai với các tỉnh, thành trên cả nước.
Nhiều dấu ấn quan trọng
Đắk Nông được tách từ tỉnh Đắk Lắk vào ngày 1/1/2004. Những ngày đầu, Đắk Nông chỉ là vùng đất nghèo nàn, lạc hậu. Tất cả mọi thứ từ cơ sở vật chất, mọi điều kiện kinh tế, xã hội và các mặt văn hoá của tỉnh đều rất khó khăn. Trong đó, về lĩnh vực kinh tế, lúc mới thành lập, tổng thu ngân sách của tỉnh chỉ có hơn 90 tỷ đồng...
Qua năm tháng, Đắk Nông dần thay đổi diện mạo, trong đó có những lĩnh vực đã có sự bứt phá ấn tượng. Bằng cách đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu hợp lý cho từng giai đoạn, Đắk Nông đã để lại nhiều dấu ấn trong phát triển.
Trong đó, thu ngân sách Nhà nước hằng năm có sự tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đạt hơn 3.475 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh giai đoạn 2011-2021 đạt 18%/năm.
Ngành nông nghiệp của tỉnh đã trở thành 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế. Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh hơn 380.000 ha, chiếm 58,5% tổng diện tích tự nhiên. Tỷ trọng của ngành Nông nghiệp chiếm 37,58% trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra mục tiêu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Giai đoạn 2016-2021, ngành công nghiệp của tỉnh có bước phát triển khá, với mức tăng bình quân là 12,22%. Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp đến năm 2021 đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2016. Cơ cấu ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng từ 7,79% (năm 2016) lên hơn 12% (năm 2021).
Điểm nổi bật nhất của ngành công nghiệp Đắk Nông là Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã đi vào hoạt động, với công suất đạt 650.000 tấn/năm. Dự án đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương, đóng góp lớn vào ngân sách của địa phương hằng năm.
Đắk Nông, hiện có 226 km tỉnh lộ (gồm 6 tuyến tỉnh lộ) đã được nhựa hóa. Toàn tỉnh có 76% trong số 650 km đường huyện đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Có khoảng 51% trong số gần 3.000 km đường xã, thôn, buôn trên địa bàn tỉnh đã được cứng hóa...
Hướng tới các mục tiêu mới
Việc lập quy hoạch Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 một cách bài bản là cơ sở, nền tảng vững chắc để Đắk Nông có bước chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai.
Hiện nay, Đắk Nông đã chọn kịch bản tăng trưởng cho giai đoạn 2021-2030 là 9,05%. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh chủ yếu chuẩn bị đầu tư, kêu gọi các dự án đầu tư trọng điểm để tạo nền tảng hoàn thiện trong giai đoạn 2026-2030. Giai đoạn này, tỉnh đề ra mục tiêu tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 18.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, mục tiêu đề ra, đến năm 2025, Đắk Nông rà soát, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên lợi thế sẵn có của địa phương. Tỉnh sẽ thực hiện sản xuất nông nghiệp theo các quy trình tiên tiến, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đắk Nông xây dựng kịch bản phát triển phù hợp cho giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2050
Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất, ứng dụng công nghệ cao dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt từ 20% trở lên. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt ít nhất 10% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp; đến năm 2030 đạt 20% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp.
Đến năm 2050, Đắk Nông phấn đấu trở thành 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cả nước. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ hiện đại vào các loại cây trồng, vật nuôi chiếm ít nhất 70% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp....
Lộ trình đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu nâng công suất sản xuất alumin - nhôm lên 1,3 triệu tấn/năm; điện phân nhôm của tỉnh đạt mốc 300.000 tấn/năm; đến 2030 công suất alumin đạt 2,5-3 triệu tấn/năm, điện phân nhôm đạt mốc 600.000 tấn/năm.
Toàn tỉnh sẽ hình thành một số tổ hợp công nghiệp lớn về chế biến sau nhôm, công nghiệp phụ trợ cho sản xuất nhôm, sau nhôm. Các nhà máy điện mặt trời, điện gió hỗ trợ cung ứng điện tại chỗ phục vụ sản xuất alumin - điện phân nhôm.
Đến năm 2050, Đắk Nông phấn đấu sẽ trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu nhôm, sản phẩm sau nhôm ra khu vực và thế giới. Tỉnh sẽ phát triển các tổ hợp, nhà máy chế biến sau nhôm, công nghiệp phụ trợ, tạo thành chuỗi sản phẩm trên nền công nghiệp nhôm.
Giai đoạn 2030-2050, Dự án Nhân Cơ 2 dự kiến hoàn thành, thu hút một số nhà đầu tư lớn. Nguồn điện tại chỗ của tỉnh giai đoạn này bảo đảm cung ứng 70% nhu cầu điện cho công nghiệp sản xuất nhôm.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ nâng cấp, cải tạo tuyến tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 3 và tỉnh lộ 5. Ba tuyến tỉnh lộ còn lại sẽ được cải tạo sau năm 2025. Mục tiêu đến năm 2030, cả 6 tuyến tỉnh lộ đều được nâng cấp, cải tạo để đạt quy mô tối thiểu đường cấp IV với 2 làn xe hoặc nâng cấp mở rộng mặt đường.
Đắk Nông hướng tới phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung xây dựng mới một số tuyến đường đô thị quan trọng dài khoảng 90km. Tỉnh cũng quy hoạch, đặt mục tiêu sẽ xây dựng tuyến đường kết nối TP. Gia Nghĩa với tuyến QL55 đi huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng).
Toàn tỉnh tiếp tục hoàn thành, đưa vào hoạt động cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Gia Nghĩa - Buôn Ma Thuột. Tuyến đường sắt chuyên dụng Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ bắt đầu được xây dựng cùng thời điểm này.
Từ năm 2031 - 2050, các đường huyện sẽ tiếp tục được nâng cấp để đạt quy mô tối thiểu đường cấp IV, cấp V. Toàn bộ các tuyến đường xã, đường thôn sẽ đạt nhựa hóa, cứng hóa 100%.
Đối với đường sắt, Đắk Nông quy hoạch tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên, khổ đường 1.435mm. Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng sân bay Nhân Cơ là sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp với dân sự.
Cùng với phát triển kinh tế, các mặt văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục cũng sẽ được tỉnh quan tâm thúc đẩy, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung nhấn mạnh, dư địa trong phát triển của Đắk Nông còn rất lớn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến quặng bô xít.
Đắk Nông sẽ tập trung phát triển các thế mạnh của mình trên các lĩnh vực có lợi thế. Tỉnh sẽ tập trung thêm các vấn đề về bảo đảm môi trường, năng lượng xanh, văn hoá dân tộc.
"Mục tiêu của Đắk Nông là sớm bắt kịp các tỉnh, thành trong cả nước về phát triển các mặt kinh tế-xã hội", Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung khẳng định.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử