Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Lượt xem: 10248
Ngày 21/02/2023 chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2023.

Với mục đích kế thừa, phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, tạo tiền đề thuận lợi phát triển những năm tiếp theo.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung tổ chức thực hiện 20 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể:

1. Nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh năm 2022, đặc biệt là những tồn tại đã được Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh chỉ ra.

2. Bám sát quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, Tỉnh ủy và yêu cầu thực tiễn để tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kiên trì giữ vững ổn định kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, không lơ là, chủ quan. Đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đúng mục tiêu, đối tượng theo quy định.

4. Xây dựng, đề xuất các chính sách, giải pháp và nguồn lực cụ thể nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, có tác động hiệu quả ngay đến doanh nghiệp, nền kinh tế, phát huy cao nhất hiệu quả của các chính sách hỗ trợ từ trung ương và địa phương, có tính khả thi cao và phù hợp với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn 2021-2025.

5. Quyết liệt thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023:

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình trọng điểm chào mừng 20 năm thành lập tỉnh. Đây là những chương trình, dự án có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, phải tập trung, quyết liệt thực hiện ngay từ đầu năm 2023 để bảo đảm tiến độ, chất lượng đã đề ra.

- Lập kế hoạch chi tiết đến từng danh mục công trình; phân công, phân nhiệm cho từng cá nhân có liên quan để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ. Kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, vi phạm tiến độ hợp đồng.

- Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nghiêm nhiệm vụ được giao về lĩnh vực đầu tư công; kịp thời tham mưu giải pháp khả thi, hiệu quả để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; đồng thời đảm bảo mục tiêu chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo quy định.

6. Tập trung phối hợp với các Bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh Bình Phước để thúc đẩy, sớm triển khai thực hiện dự án Đường cao tốc đoạn (Gia Nghĩa) Đắk Nông – (Chơn Thành) Bình Phước và cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt.

7. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các dự án lớn, phù hợp với tình hình thực tế, xu thế phát triển và theo đúng định hướng của tỉnh; đồng thời, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến tỷ trọng sản xuất của tỉnh. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác xuất khẩu.

8. Tiếp tục làm việc với cơ quan trung ương, các ngành, địa phương, các nhà đầu tư để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sớm triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả các dự án lớn trên địa bàn tỉnh. như: Khu Công nghiệp Nhân Cơ 2, dự án điện phân nhôm Đắk Nông, các dự án năng lượng tái tạo...

9. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá đột biến. Xử lý kịp thời các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất thường.

10. Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp tăng thu ngân sách để hoàn thành chỉ tiêu dự toán được giao, đặc biệt là nguồn thu từ đất đai, khoáng sản. Tiết kiệm triệt để các khoản chi chưa thật sự cấp thiết, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội.

11. Phát huy vai trò quản lý, điều hành ngành tài chính; chủ động, tích cực trong việc tạo ra các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện vai trò chủ đạo trong lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; tranh thủ tối đa các nguồn lực từ các bộ, ngành trung ương; công khai minh bạch trong chi tiêu tài chính.

12. Tiếp tục rà soát các dự án nông, lâm nghiệp, diện tích đất của các công ty lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý để có giải pháp xử lý phù hợp, đúng quy định; có kế hoạch khôi phục và phát triển rừng bền vững, kiên quyết bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, phát huy hiệu quả diện tích rừng sản xuất. Triển khai giải pháp phù hợp, đúng quy định để xử lý diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và phát triển kinh tế rừng.   

13. Rà soát lựa chọn một số cây trồng chủ lực của tỉnh để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường, phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng sản xuất nguyên liệu.

14. Tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, chuyển mục đích sử dụng đất, đảm bảo đúng quy hoạch, công khai minh bạch; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Có giải pháp quản lý thị trường bất động sản để tạo điều kiện thu hút đầu tư và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

15. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh; tham mưu ban hành cơ chế, chính sách giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại các huyện, thành phố, hạn chế tình trạng dạy kê, dạy gác như thời gian qua.

16. Tăng cường quản lý các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học, nhất là khu vực Vườn Quốc gia Tà Đùng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, khu vực hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Tập trung hoàn thiện hồ sơ và công tác tái thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Nghiên cứu tạo cơ chế, chính sách phù hợp, lồng ghép, định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trang trại, nhà vườn,... từng bước đưa du lịch trở thành một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh.

17. Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian qua; quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách hiệu quả và không hình thức, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, nhất là đối với lĩnh vực đất đại, quản lý đô thị,....

18. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, tạo lập, tích hợp và khai thác hiệu quả các dữ liệu để phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trên các lĩnh vực và thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 10% trong GRDP của tỉnh.

19. Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; tập trung giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện còn tồn đọng, kéo dài; các vụ việc phức tạp về an ninh nông thôn, nhất là tại địa bàn các huyện: Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Song.

20. Tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm, vùng biên giới. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, có các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu kiểm soát trên tuyến biên giới của tỉnh. Thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao... Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành; các lực lượng vũ trang; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này; kịp thời báo cáo các vướng mắc phát sinh và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ kết quả phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực về UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư).

Xem chi tiết Chỉ thị tại đây./.

ST

Tải về

 

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 20° - 22° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1