Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Mô hình về bảo tồn, giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội
Lượt xem: 105
Bằng những quyết sách, chỉ đạo cụ thể, trong những năm qua, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, giá trị truyền thống trong vùng Công viên địa chất, góp phần thúc đẩy hội nhập giáo dục gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Đắk Nông.

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ năm 2021 đến nay, đã có thêm 02 di tích, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và 03 di tích cấp tỉnh được công nhận, nâng tổng số di tích được xếp hạng toàn tỉnh lên 18 (gồm 14 di tích lịch sử, 01 di tích khảo cổ học và 03 danh lam thắng cảnh). Bên cạnh đó, một số ngành nghề thủ công, tập tục, lễ nghi truyền thống cũng được phục dựng bảo tồn. 

 

Anh-tin-bai

Từ năm 2021 đến nay, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được công nhận thêm 02 di tích, danh lam thắng cảnh; 03 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia

 

Công tác kiểm tra, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép được thực hiện theo phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, hầu như không còn xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong phạm vi vùng Công viên địa chất.

 

Về công tác cải tạo và phục hồi cảnh quan môi trường cho các điểm du lịch, tỉnh đã tổ chức quản lý, bảo vệ và khôi phục diện tích rừng thông dọc Quốc lộ 14, Quốc lộ 28, đồng thời triển khai Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, gắn với các điểm di sản và du lịch của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

 

Bên cạnh nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông còn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền gắn với giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên địa chất. Hằng năm, tỉnh đã tổ chức Cuộc thi thuyết trình tiếng Anh tìm hiểu về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cho học sinh cấp THCS và THPT, thu hút hơn 2.400 học sinh tham gia. Ngoài ra, tổ chức ngành học Du lịch tại Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông; các lớp tập huấn ngắn hạn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tập huấn về công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số…

 

Với sự chủ động và tích cực, công tác giáo dục của Công viên địa chất Đắk Nông đã vượt ra khỏi phạm vi địa phương, mở rộng kết nối với các công viên địa chất toàn cầu trên khắp thế giới. Mục tiêu là học hỏi và trao đổi về những di sản giữa các vùng, khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp tác và hữu nghị giữa các thành viên trong Mạng lưới toàn cầu, đảm bảo các yêu cầu của UNESCO và hội nhập quốc tế.

 

Anh-tin-bai

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tích cực, chủ động tham gia các hoạt động hội nhập quốc tế - Nguồn ảnh: Internet

 

Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông. Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm nội dung xây dựng, tích hợp các chuyên đề về Công viên địa chất và phát triển du lịch. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp Công viên địa chất đạt mục tiêu trở thành mô hình về phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. 

Tại các huyện, thành phố trong vùng Công viên địa chất đã xây dựng kế hoạch, dự án phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Trong đó tập trung đầu tư nguồn lực sửa chữa, nâng cấp các điểm đến, từng bước phát triển các điểm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm.

 

Anh-tin-bai
 

Các địa phương trong vùng Công viên địa chất đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều điểm du lịch và sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp, bao gồm các hợp tác xã, trang trại và hộ gia đình phát triển mô hình nhà vườn, thường xuyên đón khách tham quan, trải nghiệm. Các đơn vị chủ rừng như Vườn quốc gia Tà Đùng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và các công ty lâm nghiệp đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh.

 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị, thời gian tới, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển Công viên địa chất, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, quản lý, bảo vệ và khôi phục diện tích rừng, ngăn chặn lấn chiếm, hủy hoại rừng; cải tạo cảnh quan thác nước, miệng núi, hang động… để thu hút đầu tư, phát triển du lịch.

 

Đặc biệt, đẩy nhanh đầu tư và sử dụng các điểm đang được nâng cấp; quy hoạch chi tiết và mời gọi đầu tư vào các khu vực tiềm năng như Vườn quốc gia Tà Đùng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp, hang động, núi lửa và các di sản trong vùng Công viên địa chất, mục tiêu là thu hút ít nhất 3 dự án đầu tư du lịch; thúc đẩy hoạt động hỗ trợ, tạo sinh kế và việc làm cho cộng đồng địa phương tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; xây dựng thương hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông - Xứ sở của những âm điệu” và chiến lược tiếp thị, quảng bá, kết nối du lịch của tỉnh với các trung tâm du lịch trong và ngoài nước.

 

H.C


Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 23° - 24° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1