Đắk Glong hội tụ nhiều tiềm năng phát triển kinh tế dược liệu bền vững
Lượt xem: 500
Hiện nay, Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng là một trong những vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam. Đây là tiềm năng, cơ hội lớn trong việc tạo ra giá trị kinh tế - xã hội thông qua việc xây dựng, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý. Được biết, huyện Đắk Glong đã được chọn để phát triển Dự án Vùng trồng dược liệu quý - thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.  

Theo thống kê của Viện Dược liệu, tại Tây Nguyên có 1.657 loại cây thuốc và ở Đắk Nông có hơn 725 loài. Việc phát triển dược liệu, y học cổ truyền đã được tỉnh Đắk Nông nhìn nhận, quan tâm từ nhiều năm nay. Tháng 7/2020, UBND tỉnh đã triển khai chương trình phát triển y dược cổ truyền; kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030.

Anh-tin-bai

Đoàn đại biểu tham gia Hội thảo tập huấn chia sẻ kinh nghiệm truyền thông nâng cao xây dựng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý đến từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đi khảo sát thực địa tại huyện Đắk Glong

Huyện Đắk Glong có diện tích đất nông nghiệp 16.673 ha chiếm 11,56%, tài nguyên rừng khá nhiều, độ che phủ chiếm hơn 40% tổng diện tích đất, hệ thống sông suối đa dạng, có sông Đồng Nai chảy qua ở phía Nam và nhiều suối lớn. Theo Hội Đông y tỉnh, khảo nghiệm bước đầu đối với một số cây trồng khi di thực từ rừng về trồng, chăm sóc trong điều kiện ở vườn nhà, rẫy cho thấy cây sinh trưởng phát triển tốt hơn khi trong rừng. Khả năng mở rộng về quy mô, sản xuất hàng hóa là rất lớn, do vậy Đắk Glong có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển dược liệu quý dưới tán rừng. 

Viện dược liệu đã triển khai điều tra, đánh giá tiềm năng, hiện trạng nguồn tài nguyên cây thuốc tỉnh Đắk Nông nói chung và huyện Đắk Glong nói riêng. Xác định được 24 loài/nhóm loài cây thuốc có tiềm năng khai thác tại kiểu rừng cây lá rộng thường xanh thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tà Đùng, vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung như: Bách bệnh, Bồng bồng, Cam thảo nam, Câu đằng, Chè dây, Chè vằng, Chuối hột, Cối xay, Củ mài núi, Cốt toái bổ lá to, Dây đau xương.... Các cây thuốc được khai thác nhiều là Chuối hột, Chè dây, Thiên niên kiện, Na rừng, Huyết đằng, Khúc khắc. Trong đó một số loài thuộc diện quý hiếm, cần bảo vệ như: Lan một lá, Lan kim tuyến, Vù hương, Kỳ nam gai. 

Anh-tin-bai

Đoàn đại biểu tham gia Hội thảo tập huấn ghé thăm nơi chế biến, sản xuất dược liệu của HTX Dược liệu An Phúc Khang

Mặc dù hội tụ đầy đủ các yếu tố như: diện tích đất ba-zan màu mỡ, hệ sinh thái đa dạng, nguồn lao động dồi dào, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển một số cây dược liệu trên quy mô lớn. Tuy nhiên, việc đầu tư trồng cây dược liệu tại huyện Đắk Glong chỉ mới manh nha phát triển trong những năm gần đây. Xuất phát từ các lý do chủ yếu vì chuỗi liên kết giá trị dược liệu còn nhiều hạn chế. Một số công ty, hợp tác xã được hình thành tại các vùng trồng, tuy nhiên do chưa xác định rõ sản phẩm tạo ra, thị trường chưa ổn định nên nhiều dược liệu trồng không tiêu thụ được. Một số nơi người dân trồng dược liệu còn mang tính tự phát. Sản phẩm tạo ra từ dược liệu còn hạn chế, chủ yếu ở dạng dược liệu thô (sấy khô), hoặc được chế biến nhưng chưa có số đăng ký, đặc biệt chưa có sản phẩm dược liệu đạt tiêu chuẩn OCOP.

Với mục đích tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1390/QĐ-UBND ngày 06/09/2018 về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh. Định hướng đến năm 2030, hình thành các vùng cây dược liệu có tiềm năng.

Được biết, tỉnh Đắk Nông là 1 trong 11 tỉnh được Chính phủ lựa chọn để thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi 2021-2030, giai đoạn I năm 2021 đến 2025 và huyện Đắk Glong là đơn vị triển khai dự án.

Dự án Vùng trồng dược liệu quý huyện Đắk Glong - thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 tại huyện Đắk Glong có các thành viên liên kết bao gồm: Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam; 05 công ty chuyên về phân phối xuất nhập khẩu sản phẩm dược phẩm và dược liệu; các công ty có tiềm năng về vốn, đất đai và lao động khác cùng 05 hợp tác xã trên địa bàn; 2 ban quản lý rừng cộng đồng có tham gia trong chuỗi liên kết cùng các hộ dân trên địa bàn; chủ trì liên kết là Công ty cổ phần dược liệu Đắk Glong.

Với sự hợp tác của nhiều nhà khoa học có kinh nghiệm dày dặn trong việc triển khai nhân giống, cấp giống và thực tế trồng nhiều vùng nguyên liệu trong cả nước, sự đa dạng trong chuỗi liên kết, dự án Vùng trồng dược liệu quý huyện Đắk Glong sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển, sẽ tạo được hiệu quả năng suất và tạo giá trị kinh tế cao.

Anh-tin-bai

Vườn cây dược liệu Sâm bố chính tại huyện Đắk Glong vô cùng xanh tốt 

Dự án Vùng trồng dược liệu quý huyện Đắk Glong hướng đến mục tiêu hình thành hệ thống “chuỗi giá trị” phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án; tăng thu nhập ngân sách của huyện nghèo khi triển khai dự án, góp phần giảm tỷ lệ nghèo; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo “chuỗi giá trị”, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ý thức bảo tồn nguồn gen dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo phát triển bền vững; tạo công ăn việc làm và có thu nhập ổn định cho trên 762 lao động trực tiếp của Dự án khi đi vào hoạt động và nhiều lao động xã hội khác. 

Bên cạnh đó, nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, lĩnh vực dược liệu ở Việt Nam nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng sẽ có cơ hội chuyển từ tư duy trồng dược liệu sang tư duy phát triển kinh tế dược liệu, tập trung chế biến sâu để trở thành một ngành công nghiệp mang lại hiệu quả cao, không chỉ phục vụ cho sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi, đồng thời giúp dược liệu Việt Nam có điều kiện tiến mạnh ra thế giới.

N.N

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 23° - 24° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1