Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2021-2023 ước đạt 7,73%
UBND tỉnh vừa có Báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025.

(Ảnh minh họa - Nhà máy Alumin Nhân Cơ)
Theo báo cáo, tình hình thực hiện các chỉ tiêu được giao giai đoạn 2021-2023 như sau:
Tăng trưởng kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2023 (giá so sánh 2010) ước đạt 7,73% (KH 7,5-8%), trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,97%; Khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 16,56%; Khu vực dịch vụ tăng 6,68%; Thuế trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6%. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 60,64 triệu đồng, đạt 86,63% KH (KH trên 70 triệu đồng).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân ước đạt 21,2%/năm (KH 15%/năm).
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 ước đạt 10.635 tỷ đồng đạt 57,8% KH (KH trên 18.400 tỷ đồng), tốc độ tăng thu bình quân đạt 14%/năm (KH 12%/năm).
Lao động và việc làm: Tổng số lao động được tạo việc làm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 57.285 lượt người, đạt 63,65% KH (KH 90.000 lượt người); Đào tạo nghề cho 14.676 người, đạt 73,38% KH (KH 20.000 người).
Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 7,75% (KH 6,5%);
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân giai đoạn 2021-2023 là 10% (KH 16%/năm); cơ cấu công nghiệp trong GRDP tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 11,83%.
Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2023 ước đạt 36,26% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (KH đến năm 2025 đạt 31,62%);
Giai đoạn 2021-2023, bình quân toàn tỉnh giảm 0,8% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập (việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp đã đảm bảo theo quy định của Trung ương) và 0,9% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 (KH đến năm 2025 là 10%).
Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023 nằm trong nhóm B, đạt KH đề ra;
Tỷ lệ nợ xấu/tổng dự nợ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, đạt KH.
Giai đoạn 2021-2023, bình quân mỗi năm có khoảng 720 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vượt KH đề ra (KH mỗi năm có 500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 270 HTX, đạt 82,3% KH (KH 2025 có 328 HTX), trong đó có 210 HTX đang hoạt động; 03 Liên hiệp HTX, đạt 42,85% (KH 2025 có 07 Liên hiệp HTX). Tổng số thành viên là 16.825 người (bao gồm cả thành viên liên kết) đạt 61,4% KH, trong đó có khoảng 17% HTX nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị.
Đến năm 2023, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 7,5% GRDP (KH đến năm 2025 chiếm 10% GRDP của tỉnh).
Theo UBND tỉnh việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận cụ thể: Tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ ổn định, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển theo đúng định hướng, giá trị sản xuất công nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước, sản lượng công nghiệp đạt khá. Phương thức sản xuất và cơ cấu ngành nông nghiệp có bước chuyển biến tích cực, năng suất tăng dần. Hoạt động thương mại tiếp tục phát triển, phân phối lưu thông thông suốt, cung-cầu hàng hóa được đảm bảo. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, các loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng, du lịch bước đầu phát huy được thế mạnh về cảnh quan, văn hóa của tỉnh. Kế hoạch đầu tư công trung hạn được các cấp, các ngành tập trung triển khai. Hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có nhiều tín hiệu khả quan, các chỉ tiêu tăng trưởng huy động, cho vay đều đạt ở mức khá, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, xử lý nợ xấu được chú trọng thực hiện. Môi trường đầu tư kinh doanh, xếp hạng năng lực cạnh tranh được cải thiện liên tục. Cơ cấu thu, chi ngân sách được cải thiện. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được chú trọng, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy hoạch. Đa số các chỉ tiêu dự báo có khả năng đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Đồng thời, để đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như:
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025;
Thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, sinh thái, trách nhiệm: Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược ngành và chiến lược các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, phòng chống thiên tai); các đề án (nông nghiệp hữu cơ, phát triển thủy sản, thị trường nông sản, kinh tế tập thể...) và chương trình, kế hoạch. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị (liên kết người nông dân, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã) nhằm huy động được nguồn lực, tạo ra sản phẩm hàng hóa, tập trung, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, ...
Tập trung phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản: Rà soát, xác định ranh giới thực địa, lập quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, làm cơ sở để hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tập trung đầu tư hạ tầng, kỹ thuật đảm bảo tiêu chí quy định. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân tại các vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất, tiêu thụ nông sản đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Hỗ trợ thành lập các Hợp tác xã, tổ hợp tác theo quy định của nhà nước, tập trung tại các vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Phát huy vai trò liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trong đó thực hiện đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hợp tác; thúc đẩy liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị tại các vùng sản xuất tập trung. Chuyển đổi mạnh mẽ từ các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến hoặc thương mại lớn để hình thành chuỗi giá trị khép kín.
Tập trung phát triển công nghiệp sản xuất Alumin, điện phân nhôm và các sản phẩm từ nhôm để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định sản xuất của Nhà máy alumin Nhân Cơ và nghiên cứu phương án cường hóa, phát huy tối đa năng suất công nghệ; hỗ trợ đắc lực hơn nữa để việc đầu tư xây dựng nhà máy điện phân nhôm sớm hoàn thành và đi vào hoạt động đạt công suất theo thiết kế giai đoạn I trong kỳ; từ đó nghiên cứu, thu hút các thành phần kinh tế vào đầu tư, sản xuất các sản phẩm từ nhôm, đặt biệt là lợi thế về nhôm lỏng sau quá trình điện phân.
Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, quan tâm đúng mức đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư ở vùng nông thôn; kịp thời hỗ trợ cho sản xuất, nhất là ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường, …thông qua các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử.
Tiếp tục huy động nguồn vốn các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh như: Chế biến nông, lâm sản; khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bauxit, các sản phẩm sau nhôm để đảm bảo nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư liên kết sản xuất với người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra chuỗi giá trị đồng bộ, ổn định và bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, thực hiện sáp nhập đối với các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lặp; giải thể đối với các đơn vị hoạt động không hiệu quả và không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị; Đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở thị trấn, thành phố những nơi có dân số cơ học tăng nhanh, các địa bàn có khả năng xã hội hoá cao và trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn…
Tiến Đạt