Đăk Nông có 130 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, có 02 cửa khẩu Bu Prăng và Đăk Per nối thông với Mondulkiri, Kratie', Kandal, Phnom Penh, Siem Reap, v.v. của nước bạn Campuchia. Với vị trí địa lý thuận lợi Đắk Nông mở rộng giao lưu với các tỉnh trong khu vực Tây nguyên; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, duyên hải miền Trung và nước bạn Campuchia, khi tuyến đường Hồ Chí Minh cơ bản được nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đi vào hoạt động, một số công trình hạ tầng liên vùng của Tây Nguyên được xây dựng, hợp tác kinh tế giữa 3 nước trong tam giác phát triển được mở rộng… là cơ hội tác động mạnh mẽ đến giao lưu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, thị trường được mở rộng và cơ hội hợp tác đầu tư sẽ nhiều hơn; phát triển kinh tế sẽ là tập trung vốn để đầu tư phát triển mạnh các ngành có tiềm năng, lợi thế như chế biến cà phê, cao su, tiêu, điều, nông, lâm sản chủ lực, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp khai khoáng; trong tương lai Đăk Nông sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực Tây Nguyên.
Tiềm năng kinh tế
Đăk Nông có tiềm năng về kinh tế, văn hoá đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.513 km2. Dân số 513 nghìn người. Được thiên nhiên ưu đãi, Đăk Nông có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế; trong đó, rõ nét nhất là tiềm năng về đất, tài nguyên rừng, thuỷ điện, khoáng sản và những lợi thế về du lịch sinh thái, Đắk Nông có mạng lưới sông suối, hồ đập phân bố tương đối đều khắp. Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng các công trình thủy điện phục vụ các ngành kinh tế và dân sinh như: Thuỷ điện DrayH'Linh II, thuỷ điện Đức Xuyên 92 MW, thủy điện TuaSrah 85 MW, thuỷ điện Đắk R'Tih 140 MW đang đầu tư xây dựng. Tài nguyên khoáng sản phong phú: Bô xít có trữ lượng dự đoán khoảng trên 5,4 tỷ tấn, trữ lượng thăm dò 2,6 tỷ tấn, đủ khả năng để khai thác công nghiệp trong nhiều năm. Ngoài ra, tỉnh Đăk Nông còn một số loại khoáng sản đáng kể khác như: vàng, đá quý ngọc bích, sa phia, volfram, thiếc, đất sét cao lanh, nước khoáng, khí CO2 nhưng chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả. Số liệu 06/2011, sản xuất nông nghiệp: Tổng diện tích gieo trồng 215.500 ha; trong đó, diện tích cà phê 78.000 ha, sản lượng ước đạt 140.069 tấn; diện tích điều 22.250 ha, sản lượng 13.825 tấn; 23.100 ha cao su, sản lượng 6.450 tấn mủ; gần 7.150 ha tiêu, sản lượng 13.600 tấn và nhiều cây trồng khác có sản lượng khá lớn, là nguồn nguyên liệu dồi dào và ổn định để phát triển ngành công nghiệp chế biến như: đậu nành, đậu phụng, ngô, sắn, chanh dây, ca cao…. Diện tích đất nông nghiệp chưa khai thác sử dụng còn gần 90.000 ha dự kiến sẽ được khai thác để phát triển, tạo thành các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung; hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh: đàn trâu, bò trên 36.300 con, lợn có 155.000 con, gia cầm có 1.270.000 con. Với điều kiện khí hậu và tự nhiên, Đăk Nông có nhiều tiềm năng để phát triển trang trại quy mô lớn, hình thành các khu sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa.
Tiềm năng kinh tế của Đắk Nông phải kể đến về tài nguyên khoáng sản, trong đó đặc biệt là quặng bô xít; quặng bô xít được phân bố ở thị xã Gia Nghĩa và ở các huyện Đắk G'Long, Đắk R'Lấp và Đắk Song, với trữ lượng dự đoán khoảng 5,4 tỉ tấn, trữ lượng thăm dò ước tính 2,6 tỉ tấn, hàm lượng bôxít nhôm đạt từ 35-40%; các khoáng sản quý hiếm khác cũng rất đa dạng, như ở khu vực xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có nguồn tài nguyên vàng, đá quí ngọc bích, saphia trắng; trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa và huyện Chư Jút có volfram, thiếc, antimony; nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như đất sét phân bố rải rác trên địa bàn một số huyện; sét cao lanh làm gốm sứ cao cấp phân bố ở huyện Đắk G'long, thị xã Gia Nghĩa; puzơlan làm nguyên liệu cho xi măng, gạch ceramic; đá bazan bọt làm nguyên liệu sản xuất gạch ốp lát cách âm, cách nhiệt, sợi chịu nhiệt….
Về tiềm năng du lịch, Đăk Nông có nhiều thắng cảnh thiên nhiên rất đẹp như các thác nước Trinh Nữ, Đray Sáp, thác Đray H'Linh, thác Gấu, thác Chuông, thác Liêng Nung, Đắk GLung... Các khu bảo tồn thiên nhiên như: Nam Nung (25.000 ha), Tà Đùng (28.000 ha) và thảo nguyên nhỏ Trảng Ba Cây rộng trên 3 km2 phục vụ du lịch thể thao, cưỡi ngựa, sắn bắn, cắm trại… Đặc biệt, các buôn làng đồng bào dân tộc với những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo như Lễ hội cồng chiêng, uống rượu cần, lễ hội đâm trâu… phục vụ du lịch văn hóa, nhân văn.
Tiềm năng du lịch là điều kiện để hình thành các cụm du lịch, tour du lịch của tỉnh, nếu gắn kết được với các tuyến du lịch phía Nam của tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận, Lâm Đồng và TP.HCM sẽ tạo nên hành trình du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm qua
Nhờ có chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng, ưu đãi, cũng như kịp thời bổ sung, điều chỉnh cơ chế kêu gọi đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong những năm qua Đăk Nông đã có 250 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn hơn 30.903 tỷ đồng, trong đó 78 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn là 1.042 tỷ đồng, 35 dự án đang giai đoạn xây dựng cơ bản; có 66 dự án đang triển khai thủ tục năm 2011, vốn đăng ký 2.379 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực Nông lâm nghiệp 20 dự án, vốn đăng ký 1.027 tỷ đồng; thương mại – dịch vụ 14 dự án, vốn đăng ký 146 tỷ đồng; xã hội hóa 06 dự án, vốn đăng ký 20 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng 26 dự án, vốn đăng ký 1.186 tỷ đồng. UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương 96 dự án, với tổng vốn đăng ký 7.227 tỷ đồng.
Chương trình hợp tác với TP.HCM nhằm khai khác tiềm năng thế mạnh của hai địa phương, đã có 31 dự án của các doanh nghiệp, đơn vị ở TP Hồ Chí Minh đầu tư vào Đắk Nông với số vốn gần 4.000 tỷ đồng; khu công nghiệp (KCN) Tâm Thắng bước đầu đã thu hút được 34 dự án đầu tư, trong đó có 16 dự án đang hoạt động, 7 dự án đang xây dựng cơ bản và 11 dự án đăng ký đầu tư; với tổng vốn đăng ký gần 927 tỷ đồng và vốn thực hiện trên 511 tỷ đồng.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch Tỉnh, là đầu mối tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư và doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, cũng như thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư, đã biên tập, xuất bản 1300 bộ tài liệu tiếng Việt và 100 bộ tài liệu tiếng Anh phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư đã cung cấp, quảng bá đến doạnh nghiệp, nhà đầu tư 850 bộ tài liệu xúc tiến đầu tư bằng tiếng Việt, 70 bộ tài liệu bằng tiếng Anh cho các tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cơ hội đầu Tư
Tầm nhìn phát triển kinh tế, Đăk Nông đã chủ động tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, thông qua tham tán thương mại ở các nước để quảng bá, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Đắk Nông; đồng thời tổ chức các diễn đàn giới thiệu tiềm năng kinh tế kêu gọi đầu tư tại các thành phố lớn để thu hút đầu tư trong nước; thực hiện nhất quán chính sách khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư trong giai đoạn 2010 – 2015.
Các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2010-2015
Lĩnh vực cơ sở hạ tầng
Đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Đăk Song, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song 48 ha 130 tỷ đồng; hạ tầng Cụm công nghiệp thị xã Gia Nghĩa, 21,3 ha 37 tỷ đồng; hạ tầng Cụm công nghiệp huyện Krông Nô, 25 ha 56 tỷ đồng; khu dân cư số 6 phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa 7,5 ha.
Lĩnh vực công nghiệp
Chế biến thức ăn gia súc Cụm công nghiệp (CCN) huyện Krông Nô, Đăk Mil, Đăk Song, Tuy Đức và thị xã Gia Nghĩa 50.000 tấn/năm 90 tỷ đồng; sản xuất phân bón hóa học, phân vi sinh CCN Thuận An, huyện Đắk Mil 55.000 tấn/năm 45 tỷ đồng; cơ khí chế tạo, sửa chữa thiết bị công - nông nghiệp CCN Thuận An, huyện Đắk Mil, CCN Nhân Cơ, huyện Đăk Rlấp 20.000 tấn/năm 180 tỷ đồng; Chế biến cà phê thành phần (cà phê bột, cà phê hòa tan) CCN Thuận An, huyện Đắk Mil hoặc xã Kiến Thành, huyện Đăk Rlấp 4.000 tấn/năm 50 tỷ đồng; chế biến dầu và sữa đậu nành KCN Tâm Thắng - Cư Jút 5.000 tấn/năm100 tỷ đồng; dự án chế biến khoai lang Nhật CCN huyện Đăk Song, huyện Tuy Đức 70.000 tân/năm 132 tỷ đồng; dự án chế biến tinh bột ngô CCN huyện Krông Nô và CCN huyện Đăk Song 20.000 tấn/năm 90 tỷ đồng; dự án chế biến nước hoa quả đóng chai, đóng hộp CCN Thuận An, huyện Đăk Mil và CCN Đăk Ha, huyện Đăk Glong 5.000 tấn/năm 100 tỷ đồng; dự án chế biến hạt tiêu xuất khẩu xã Kiến Thành - huyện Đăk Rlấp 5.000 tấn/năm 35 tỷ đồng; dự án khai thác và chế biến Kao Lin, CCN Đăk Ha huyện Đăk Glong 250.000 tấn/năm 100 tỷ đồng; nhà máy sản xuất xăm lốp ô tô, xe máy, băng tải, ron cao su,..CCN Thuận An, huyện Đăk Mil 2.000 tấn sp/năm 120 tỷ đồng; nhà máy chế biến dầu thực vật KCN Tâm Thắng huyện Cư Jút; CCN Thuận An - huyện Đăk Mil 1.000.000 tấn/năm 64 tỷ đồng; nhà máy giết mổ và chế biến súc sản CCN Nhân Cơ hoặc CCN thị xã Gia Nghĩa 5.000 tấn/năm 40 tỷ đồng; dự án nhà máy chế biến mítxuất khẩu CCN Đắk Song 20.000 tấn/năm 80 tỷ đồng; dự án khai thác đá Bazan cây, cột xã Đăk Mol, huyện Đăk Song 5 ha 90 tỷ đồng; dự án công nghiệp cơ khí phục vụ ngành công nghiệp khai thác bauxite CCN Nhân Cơ, huyện Đắk R'Lấp 100 tỷ đồng; dự án sản xuất hóa chất CCN Nhân Cơ, huyện Đắk R'Lấp 72.000 tấn/năm 100 tỷ đồng; dự án sản xuất bao bì PP CCN Nhân Cơ, huyện Đắk R'Lấp 4.000 tấn/năm 60 tỷ đồng.
Lĩnh vực thương mại
Trung tâm thương mại thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk Rlấp 2ha diện tích kinh doanh trên 10.000 m2 10 tỷ đồng; Trung tâm thương mại thị trấn EaTLinh huyện Cư Jút, 2 ha diện tích kinh doanh trên 10.000 m2 10 tỷ đồng; chợ khu tái định cư Đăk Nia, phường Nghĩa Trung, TX Gia Nghĩa 12.156 m2 20 tỷ đồng.
Lĩnh vực du lịch
Khu du lịch sinh thái văn hóa núi Nâm Nung (gồm nhiều hạng mục) xã Nâm N' Jang, huyện Đăk Song, 250 ha 150 tỷ đồng; điểm du lịch thác 7 tầng (thác Len gun) khu bảo tàng thiên nhiên Nâm Nung 50 ha 50 tỷ đồng; khu du lịch sinh thái văn hóa hồ Ea Snô xã Đăk Rồ, huyện Krông Nô 100 ha 50 tỷ đồng; khu du lịch sinh thái dọc bờ sông Sêrêpôks (gồm nhiều hạng mục) xã Tâm Thắng huyện Cư Jút 330 ha 350 tỷ đồng; khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng (gồm nhiều hạng mục) xã Đăk P'lao, huyện Đăk Glong 22.100 ha 550 tỷ đồng.
Lĩnh vực xã hội
Khu liên hợp thể dục thể thao (bể bơi, rạp chiếu phim, sân vận động, sân tennis…) thị xã Gia Nghĩa 50 ha 150 tỷ đồng; khu liên hợp thể dục thể thao (bể bơi, rạp chiếu phim, sân vận động, sân tennis…) xã Tâm Thắng huyện Cư Jút 50 ha 150 tỷ đồng; khu liên hợp thể dục thể thao (bể bơi, rạp chiếu phim, sân vận động, sân tennis…) xã Nhân Cơ, huyện Đak Rlấp 50 ha 150 tỷ đồng; khu liên hợp thể dục thể thao (bể bơi, rạp chiếu phim, sân vận động, sân tennis…) huyện Đăk Mil, 50 ha 150 tỷ đồng;…
Lĩnh vực nông nghiệp
Sản xuất rau, củ, quả an toàn thị xã Gia Nghĩa, Phường Nghĩa Phú, xã Đắk R'Moan, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa 65 ha 50 tỷ đồng; Trung tâm sản xuất giống cây trồng nông, lâm nghiệp xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa 20 ha 30 tỷ đồng; Trung tâm sản xuất giống cây trồng nông, lâm nghiệp huyện Đắk Song 30 ha 25 tỷ đồng; sản xuất rau, củ, quả an toàn huyện Đắk R'lấp xã Đắk Wer, xã Đắk Ru, xã Kiến Thành-huyện Đắk R'lấp 200 ha 90 tỷ đồng; trồng cây dược liệu xã Nghĩa Thắng, xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R'lấp 40ha 30 tỷ đồng; cơ sở sản xuất giống bò lai và gia cầm, xã Cư Knia, huyện Cư Jút 20 ha 15 tỷ đồng; cơ sở sản xuất giống các loại đậu tương và ngô, xã Nam Đông, huyện Cư Jút, 25 tấn/năm 20 ha 12 tỷ đồng; trang trại chăn nuôi heo lấy thịt, xã Cư Knia, huyện Cư Jút, 50.000 Con/năm 100 ha 50 tỷ đồng; cơ sở nhà kính, nhà lưới trồng rau sạch, cây gia vị và hoa cây cảnh, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, 10ha 15 tỷ đồng; Cơ sở sản xuất giống cây ăn quả, xã Quảng Khê, H. Đắk G'long,10ha 15 tỷ đồng;…
Nuôi trồng thủy sản
Nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp 100 ha 40 tỷ đồng; nuôi cá nước ngọt, hồ EaSnô, xã Đắk Drô; hồ Đắk Nang, xã Đắk Nang; hồ Đắk Mâm xã Nam Đà, huyện Krông Nô 235 ha 30 tỷ đồng; Trang trại trồng trọt, chăn nuôi kết hợp du lịch sinh thái Hồ EaSnô, xã Đắk Drô; hồ Đắk Nang, xã Đắk Nang, huyện Krông Nô 400 ha 160 tỷ đồng; nuôi trồng thủy sản hồ Đồng Nai 3 và du lịch sinh thái huyện Đắk G'long 200 ha 100 tỷ đồng; nuôi cá hồ Đắk Rông huyện Cư Jút 100ha 50 tỷ đồng; nuôi cá hồ Đắk Diê, huyện Cư Jút 150 ha 60 tỷ đồng; nuôi cá hồ Đắk Rta huyện Đắk R'lấp100 ha 70 tỷ đồng; nuôi cá hồ Đắk Blao huyện Đắk R'lấp 60 ha 50 tỷ đồng.
Số liệu chi tiết tham khảo tại địa chỉ: dự án kêu gọi đầu tư trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Đăk Nông.
Đầu tư phát triển bền vững công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn kết chặt chẽ với sản xuất và tiêu thụ, giữa nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, giữa nhà máy với người nông dân, tạo thành khối liên minh công - nông vững chắc, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tạo bước đột phá trong phát triển theo hướng Công - Nông - Lâm nghiệp và dịch vụ, từng bước hình thành các doanh nghiệp có cổ phần đóng góp của nông dân.
Tiềm năng và cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh Đăk Nông là rất lớn, song các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa tiếp cận được thông tin về tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh. Để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, ngoài công tác xúc tiến đầu tư của Trung tâm xúc tiến và đầu tư tỉnh Đăk Nông cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần đẩy mạnh đầu tư và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian đến.
PTL