Thời tiết nắng nóng kéo dài, chi phí tiền điện tăng cao đột biến cũng là lúc nhiều người tính đến phương án tiết kiệm điện. Nắm bắt được tâm lý đó của người tiêu dùng, thời gian qua, trên nhiều kênh mua bán online như Facebook, Shopee, Lazada… tràn ngập các sản phẩm thiết bị tiết kiệm điện năng được bày bán tràn lan với lời “quảng cáo có cánh” như “tiết kiệm tối đa lượng điện tiêu thụ”; “hoàn tiền lại nếu không hiệu quả”;…
Tìm hiểu được biết, trên các trang mạng xã hội hiện đang có rất nhiều loại thiết bị tiết kiệm điện được chào bán với nhiều mức giá khác nhau. Giá thành thiết bị tiết kiệm điện hiện dao động từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng/thiết bị. Theo thông tin quảng cáo, đây là các loại thiết bị sử dụng tụ bù để tối ưu hóa công suất cho các sản phẩm điện gia dụng như máy lạnh, máy giặt, tủ…, nên sẽ giúp giảm từ 20 đến 30%, thậm chí là 50% lượng điện tiêu thụ. Trong bối cảnh tiền điện hàng tháng đều tăng do người dân sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa, tủ lạnh, quạt làm mát không khí thì đây đúng là con số đáng mơ ước. Chính vì vậy, rất nhiều người đã tìm mua các loại thiết bị tiết kiệm điện. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng như những lời quảng cáo.
|
Rất nhiều loại thiết bị tiết kiệm điện đang được rao bán trên các trang mạng xã hội. Ảnh: TL. |
Anh Lê Đức Thành ở phường Mỗ Lao, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Từ đầu năm, tiền điện của gia đình tôi tăng khá cao. Sau khi tôi tìm kiếm trên mạng, thấy bài quảng cáo về một chiếc máy với giá hơn 500 nghìn đồng, giảm 40% tiền điện, dù có hơi nghi ngờ nhưng vẫn mua về dùng thử. Tôi đã ghi chép lại số tiền điện trong 3 tháng gần đây tính từ khi sử dụng thiết bị tiết kiệm điện nhưng số tiền điện hơn 2 triệu đồng/tháng vẫn chẳng hề thay đổi”.
Liên quan đến hiệu quả của các thiết bị tiết kiệm điện đang được rao bán trên mạng xã hội, mới đây, Trung tâm Điện tử viễn thông (Bộ Công Thương) đã tiến hành kiểm tra một số thiết bị tiết kiệm điện. Sau khi tháo tung phần vỏ bên ngoài, bên trong chỉ có vài linh kiện rất đơn giản, chỉ có tác dụng thắp sáng bóng đèn led. Ông Đặng Trần Chuyên, Giám đốc Trung tâm Điện tử viễn thông khẳng định, các thiết bị này hoàn toàn không có tác dụng tiết kiệm điện như quảng cáo.
|
Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi quyết định sử dụng các loại thiết bị tiết kiệm điện. Ảnh: TL. |
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng không thể giảm được 20 - 50% lượng điệu tiêu thụ thông qua những thiết bị này. Nhiều thiết bị còn chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận chất lượng. Đặc biệt, ngoài việc không giúp tiết kiệm được tiền điện như quảng cáo, các thiết bị tiết kiệm điện không rõ nguồn gốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây chập điện, cháy nổ, ảnh hưởng đến các thiết bị điện khác do không đảm bảo những đặc tính an toàn kỹ thuật. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân tỉnh táo trước thông tin quảng cáo, không mua bán, sử dụng loại thiết bị tiết kiệm điện không rõ nguồn gốc để tránh “tiền mất mà tật vẫn mang”.
Theo TS. Nguyễn Khánh Quang, Trưởng bộ môn Điện thuộc Khoa Điện - Điện tử, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, không thể có một thiết bị tiết kiệm được 40-50% điện năng. Các sản phẩm tiết kiệm điện, nếu có, chỉ giúp giảm khoảng 1-2% điện năng tiêu thụ. Những sản phẩm giá rẻ chỉ có bảng mạch cơ bản, khả năng tiết kiệm điện là không thể, thậm chí còn tiêu thụ thêm điện năng để thắp sáng cho bóng đèn LED. Ngoài ra, với giá rẻ các sản phẩm này có thể sử dụng nguyên vật liệu chất lượng kém, tiềm ẩn nguy cơ độc hại khi tiếp xúc, thậm chí có thể cháy nổ.
Được biết, trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã đưa ra cảnh báo về việc quảng cáo sai sự thật của những thiết bị tiết kiệm điện. Các thiết bị này hoàn toàn không được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.
Thiết nghĩ, tiết kiệm điện là việc làm hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh lượng điện năng đang thiếu như thời gian gần đây. Việc tiết kiệm điện không chỉ giúp mỗi gia đình giảm bớt chi phí sinh hoạt mà còn góp phần giúp giảm áp lực đối với ngành Điện. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn các loại thiết bị tiết kiệm điện kém chất lượng đang rao bán tràn lan trên mạng, người dân nên tiết kiệm điện bằng chính ý thức và hành động cụ thể hằng ngày của bản thân.
Để tiết kiệm điện, chúng ta nên ưu tiên chọn lựa thay thế, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị sử dụng điện cũ, tiêu hao năng lượng lớn bằng các thiết bị có độ hao tổn điện năng thấp... Đồng thời, tại những khu vực phù hợp, các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình có thể sử dụng các hệ thống chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời, lựa chọn giải pháp lắp đặt điện mặt trời áp mái, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo có sẵn từ thiên nhiên.
Đặc biệt, mỗi người dân phải biết cách sử dụng điện đúng cách, đúng lúc và lựa chọn các thiết bị điện có công nghệ tiết kiệm theo tiêu chuẩn đã được ngành chức năng thẩm định. Nên sử dụng bóng đèn Led, thay cho bóng đèn sợi đốt. Sử dụng các sản phẩm có nhãn chứng nhận tiết kiệm năng lượng điện, có nhiều sao…
Nhiệt độ tủ lạnh, máy lạnh, điều hòa nhiệt độ nên để ở mức phù hợp, tốt nhất là nên để nhiệt độ điều hòa trên 26 độ C trong những ngày nắng nóng. Trong thời điểm nắng nóng, người dân nên sử dụng các thiết bị có hiệu suất cao, có biến tần hay nói cách khác là các thiết bị điện inveter. Đặc biệt, với các thiết bị làm mát như điều hòa, tủ lạnh cần quan tâm đến hệ thống bảo ôn, tận dụng ánh sáng và hệ thống thông gió tự nhiên.
Thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị điện công nghệ cũ, lạc hậu. Ghi nhớ tắt các thiết bị điện, tốt nhất là nên ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm ra khỏi nguồn điện khi không sử dụng.
Quảng cáo và bán các loại thiết bị tiết kiệm điện kém chất lượng là chiêu trò lừa đảo đánh vào tâm lý của người tiêu dùng. Tiết kiệm điện chỉ có thể trực tiếp từ chính các đồ dùng thiết bị điện có sử dụng công nghệ tiết kiệm điện và thói quen sử dụng tiết kiệm điện của mỗi cá nhân, của từng gia đình./.