Tiết kiệm điện phải là thói quen hằng ngày
Lượt xem: 109
Tiết kiệm điện không chỉ là mệnh lệnh mà cũng là yêu cầu nỗ lực, tạo thói quen tốt từ chính mỗi cá nhân để hạn chế lãng phí nguồn điện.
Tiết kiệm điện phải là thói quen hằng ngày - Ảnh 1.

Tắt các thiết bị không cần thiết ngay từ bây giờ chính là góp phần "bật sáng" tương lai cho môi trường, cho nền kinh tế.

Mấy ngày qua, nắng nóng trên diện rộng đã làm cho người dân trên cả nước đối mặt khó khăn. Nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt là điện sinh hoạt tại các đô thị tăng mạnh. Để "giải nhiệt" thì không có biện pháp nào đơn giản hơn là sử dụng các thiết bị làm mát chạy bằng điện, nhưng nếu sử dụng một cách lãng phí thì "sức nóng" của vấn đề cung ứng điện lại trở nên nghiêm trọng hơn.

Dự báo, hiện tượng El Nino sẽ làm cho nền nhiệt tăng cao và lượng mưa giảm. Mực nước tại nhiều hồ thủy điện trên cả nước đã ở trong tình trạng thấp hoặc dưới mực nước chết nên dự báo việc cung cấp điện trong mùa hè năm nay có thể gặp nhiều khó khăn.

Nhận diện thực trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bằng nhiều hình thức từ sớm, từ xa về việc bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023, trong đó yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện cũng như lưu ý các giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn về cung ứng điện thời gian qua.

Nhìn xa hơn, từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặc biệt quan tâm vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cân đối năng lượng như điện, xăng dầu. Gần như ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc làm việc với Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí – những tập đoàn năng lượng lớn của đất nước. Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc để hồi sinh, đưa vào hoạt động dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và đang tiếp tục thúc đẩy triển khai chuỗi dự án Khí – Điện lô B Ô Môn…

Mặc dù ngành điện cũng như các bộ, cơ quan có liên quan phải gắng hết sức để không rơi vào cảnh đứt nguồn nhưng đến nay đã xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm cung ứng đủ điện trong thời gian tới, đặc biệt là ở miền Bắc. Trong đó, có nhiều vấn đề đã kéo dài nhiều năm và chưa thể giải quyết ngay trong ngày một, ngày hai, có cả nguyên nhân khách quan như hạn hán nặng nề khiến hầu hết các hồ thủy điện miền Bắc ở mực nước chết…

Trong bối cảnh đó, bên cạnh nhiều giải pháp về nguồn cung điện, truyền tải, phân phối điện, Thủ tướng Chính phủ, ngành điện cùng nhiều ban ngành chức năng đều kêu gọi sử dụng tiết kiệm điện.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo; yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; lấy tiết kiệm điện làm chỉ tiêu khen thưởng, kỷ luật…

Tiết kiệm điện là việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt khi lãng phí trong sử dụng điện ở nước ta còn ở mức cao. Đây được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu, vừa cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nhất là trong bối cảnh hồi phục kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.

Sau mỗi công tơ điện, việc sử dụng điện như thế nào gần như là quyền của khách hàng. Nhưng hơn tất cả, tiết kiệm điện không chỉ là mệnh lệnh mà cũng là yêu cầu nỗ lực, tạo thói quen tốt từ chính mỗi cá nhân để hạn chế lãng phí nguồn điện- rất quý giá nhưng không phải là vô tận, cũng không phải tự nhiên mà có. Bản thân Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trăn trở khi ngay cả các công sở cũng có thể tiết kiệm điện nhiều hơn nữa, như buổi tối có thể tắt bớt điện ở các hành lang khi không còn người làm việc…

Đến thăm, động viện công nhân ngành điện cách đây 69 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu".

Chúng ta tiết kiệm điện chính là giữ gìn "mạch máu" cho mỗi gia đình cũng như cả nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu tiết kiệm điện không đơn thuần là kêu gọi nâng cao ý thức, mà cần có những chế tài đủ mạnh đi kèm các chính sách giám sát việc thực hành tiết kiệm điện của các hộ kinh doanh, công sở, hộ gia đình. Như ở một số quốc gia, khi thiếu điện, Chính phủ ra quy định buộc người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chính quyền phải tiết kiệm điện với các quy định cụ thể như mấy giờ mới bật điều hòa, mấy giờ thì tắt, để nhiệt độ bao nhiêu, thậm chí công chức đi làm không được mặc áo vest để tiết kiệm điện…

Hay như vừa qua, TPHCM có văn bản yêu cầu các sở ngành, quận huyện đẩy mạnh tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định trên địa bàn thành phố, trong đó có đề nghị hạn chế mặc áo vest khi làm việc, dự họp. Chỉ đạo này được nhiều người hoan nghênh, đánh giá cao. TPHCM tiết kiệm được 2,4 tỷ đồng mỗi ngày từ tiết kiệm điện là bài học quý.

Mặc trang phục phù hợp để tiết kiệm điện, tắt thiết bị điện khi không dùng, chỉnh điều hòa hợp lý…, mỗi thứ một tý, tích tiểu thành đại, góp gió thành bão, mỗi người tiết kiệm 1W/ngày thì sản lượng tiết kiệm điện của đất nước 100 triệu dân sẽ rất lớn.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nêu rõ, bài toán về điện cần tính toán tổng thể cả 5 yếu tố: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện hiệu quả, hợp lý và giá điện. Trong bối cảnh mùa hè được dự báo nóng bất thường trong năm nay, đẩy mạnh chiến dịch tiết kiệm điện là việc hết sức cần thiết. Sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, vừa giúp mỗi người có thể "giải nhiệt" từ thời tiết nóng nực, vừa giảm bớt sức nóng của vấn đề cung ứng điện. Tắt các thiết bị không cần thiết ngay từ bây giờ chính là góp phần "bật sáng" tương lai cho môi trường, cho nền kinh tế.

Theo chinhphu.vn

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 22° - 24° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1