Sáng 8/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông góp ý làm rõ một số nội dung của dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).
Đại biểu cơ bản thống nhất cơ bản với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc sửa đổi Luật Hóa chất nhằm đáp ứng yêu cầu thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động hóa chất, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên và cũng là khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Hóa chất hiện hành. Tuy nhiên, đại biểu góp ý về nội dung cụ thể của dự thảo luật như sau:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp sáng 08/5
Về phạm vi điều chỉnh:
Tại Điều 1 dự thảo Luật xác định phạm vi điều chỉnh là: “Luật này quy định về phát triển công nghiệp hoá chất, hoạt động của hoá chất, hoá chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hoá; an toàn, an ninh trong hoạt động hoá chất; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hoá chất; quản lý nhà nước về hoá chất; thông tin trong lĩnh vực hoá chất”. Đề nghị bỏ cụm từ “thông tin trong lĩnh vực hoá chất” vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, xét về tính chất, thông tin trong lĩnh vực hoá chất là một nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về hoá chất; đồng thời là một phần quyền tiếp cận, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hoá chất.
Thứ hai, đối chiếu theo các quy định cụ thể trong dự thảo Luật, vấn đề thông tin về hoá chất được quy định rải rác, là phần nhỏ lồng ghép trong nội dung chính của điều luật. Ví dụ: Quyền tiếp cận thông tin về an toàn hoá chất của cá nhân, tổ chức tại điểm a khoản 1 Điều 46 (Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nơi có cơ sở hoạt động hoá chất trong việc bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng). Chỉ có duy nhất một Điều luật cụ thể là Điều 47 (Công khai thông tin về an toàn hoá chất).
Do đó, không cần thiết tách riêng ““thông tin trong lĩnh vực hoá chất” là một thành tố độc lập trong phạm vi điều chỉnh của Luật.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông
Về Giải thích từ ngữ (Điều 2):
Khoản 4 Điều 2 dự thảo Luật quy định: “Hoá chất nguy hiểm là hoá chất gây hại cho sức khoẻ của con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường và có ít nhất một đặc tính nguy hiểm theo nguyên tắc phân loại do Bộ Công thương quy định”. Đề nghị bổ sung thành tố động vật, thực vật, cụ thể: “Hoá chất nguy hiểm là hoá chất gây hại cho sức khoẻ của con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường, động vật, thực vật và có ít nhất một đặc tính nguy hiểm theo nguyên tắc phân loại do Bộ Công thương quy định”. Vì Nước ta có ngành nông nghiệp phát triển, vấn đề kiểm soát hoá chất trong phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… cần được quan tâm, quản lý chặt chẽ vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân, uy tín trong xuất khẩu hàng hoá và yêu cầu của phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Tại khoản 14 Điều 2 dự thảo Luật đã quy định rất rõ ràng: “Công trình hoá chất là một công trình xây dựng độc lập, một tổ hợp các công trình xây dựng hoặc một dây chuyền công nghệ để tiến hành hoạt động sản xuất, tồn trữ hoá chất và các sản phẩm của ngành công nghiệp hoá chất”. Tuy nhiên, khoản 27 Điều 2 lại giải thích lại nhưng không đầy đủ: “Khoảng cách an toàn là khoảng cách cần đảm bảo từ một công trình có hoạt động sản xuất hoá chất, tồn trữ hoá chất, tới khu dân cư, công trình công cộng, công trình quốc phòng, khu quân sự, công trình an ninh, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực khai thác nguồn nước sinh hoạt nhằm hạn chế tối đa tác động xấu tới sức khoẻ con người, tài sản và môi trường trong điều kiện hoạt động bình thường”.
Đề nghị thay thế cụm từ “một công trình có hoạt động sản xuất hoá chất, tồn trữ hoá chất” bằng cụm từ “công trình hoá chất” là đã đầy đủ ý nghĩa và thống nhất trong toàn văn dự thảo luật.
Tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo quy định việc cấm: “Sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tồn trữ, sử dụng, chiếm đoạt, mua, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cầm cố trái phép hóa chất.”
Ngoài việc cấm thuê trái phép hóa chất, đề nghị rà soát bổ sung việc cấm hành vi cho thuê trái phép hóa chất cho phù hợp với các quy định của pháp luật dân sự.
Về phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất tại điểm b khoản 3 Điều 13 và Điều 19 của dự thảo:
Do tính chất đặc biệt của hóa chất, nên công tác quản lý mua, bán cần phải hết sức chặt chẽ, vì vậy, dự thảo đã đưa ra việc kiểm soát mua, bán bằng phiếu. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn giá trị pháp lý của phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất; bên cạnh đó, trong giai đoạn phát triển của xã hội hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ thì cần nghiên cứu thêm phương án quản lý cho phù hợp, đảm bảo sự chặt chẽ và thuận lợi bên cạnh việc kiểm soát bằng phiếu.
Về phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất (Điều 43):
Đề nghị rà soát, bổ sung từ “là” vào điểm b khoản 1 Điều 43 như sau: “Sự cố hoá chất cấp tỉnh là sự cố hoá chất xảy ra trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh và khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng ứng phó tại cơ sở hoá chất”.
Song Nguyên