Đại biểu Trần Thị Thu Hằng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Chiều 13/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật
Tham gia góp ý kiến, về dự án Luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng: Tại khoản 19 Điều 3 (giải thích từ ngữ) dự thảo Luật quy định: “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp thực hiện hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh, rủi ro cao và tạo ra giá trị đột phá về kinh tế hoặc xã hội”.
Đại biểu đề nghị đảo cụm từ “rủi ro cao” về phía trước cụm từ “có khả năng tăng trưởng nhanh…” để nội dụng quy định hợp logic hơn, bởi vì hoạt động khởi nghiệp sáng tạo là làm cái mới, chưa có kiểm chứng thực tế nên trước tiên là có “rủi ro cao” nhưng nếu thành công thì sẽ “có khả năng tăng trưởng nhanh” và “tạo ra giá trị đột phá về kinh tế hoặc xã hội”. Cụ thể đại biểu đề xuất điều chỉnh lại như sau: “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp thực hiện hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, có rủi ro cao nhưng có khả năng khả năng tăng trưởng nhanh và tạo ra giá trị đột phá về kinh tế hoặc xã hội”.
Đồng thời, nên đẩy vị trí khoản 19 giải thích cụm từ “doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” lên ngay sau khoản 13 định nghĩa “khởi nghiệp sáng tạo” để tăng tính logic trong tổng quan điều luật.
Tại khoản 3 Điều 6 (các hành vi bị cấm) của dự thảo Luật có nội dung: “Thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học, sức khoẻ cộng đồng”. Để luật khi đi vào thực tiễn mang tính khả thi cao, đề nghị bổ sung thành: “Cố ý thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học, sức khoẻ cộng đồng”. Vì một số lý do sau:
- Khi thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ, các nhà khoa học/nhà nghiên cứu chưa chắc đánh giá được hết rủi ro của công trình/dự án. Tại Điều 9 (Chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo) cũng khẳng định tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc dân sự nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định trong quá trình triển khai và không có hành vi gian lận, vi phạm pháp luật hoặc sử dụng sai mục tiêu.
- Bên cạnh đó, tại Điều 21 (Nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm) cũng thể hiện quan điểm cơ quan có thẩm quyền; tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm được loại trừ các trách nhiệm khi đã thực hiện đúng, đủ các quy định về thử nghiệm. Vì vậy, khoản 3 Điều 6 cần điều chỉnh hành vi thực hiện thành lỗi cố ý để thống nhất trong toàn văn dự thảo Luật.
Tại khoản 4 Điều 22 (Bảo vệ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thử nghiệm) quy định: “Công bố đầu mối giải quyết khiếu nại của khách hàng. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm có trách nhiệm tiếp nhận và có biện pháp xử lý mọi yêu cầu tra soát, khiếu nại bằng văn bản, qua tổng đài điện thoại, nền tảng trực tuyến hoặc thư điện tử của người sử dụng. Thời gian thực hiện giải quyết yêu cầu tra soát, khiếu nại thực hiện theo phương án tại hồ sơ đề nghị thử nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Đại biểu cho rằng cách thức tiếp nhận và xử lý khiếu nại quy định tại điều luật đang này là ở khiếu nại bằng hình thức gián tiếp “bằng văn bản, qua tổng đài điện thoại, nền tảng trực tuyến hoặc thư điện tử của người sử dụng”, vì vậy đề nghị bổ sung hình thức khiếu nại trực tiếp, vì người dân có thể đến trụ sở tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm để khiếu trực tiếp bằng lời nói với bộ phận chịu trách nhiệm xử lý khiếu nại và trường hợp này được ghi nhận bằng biên bản làm việc và có thể được ghi âm để đối chiếu.
Song Nguyên