Những quyết tâm, nỗ lực và hàng loạt giải pháp về xóa đói giảm nghèo của tỉnh Đắk Nông đã mang lại kết quả rõ rệt trong lĩnh vực này. Trong 20 năm qua, Đắk Nông là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất cả nước và đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Trước khu đất đang nham nhở hố đào và cỏ dại, ông Điểu Tim, Thôn trưởng bon Bu N’Drung, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, cho biết, gia đình đang dồn sức cải tạo lại đất để trồng cây mắc ca khi mùa mưa đến. Trước kia, 2 ha này trồng hồ tiêu. Sau đó cây tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt. May là gia đình còn 2 ha cà phê đang cho thu hoạch tốt, nên vẫn có nguồn thu nhờ giá cà phê vụ vừa rồi khá cao.
Kể chuyện bon làng, ông Điểu Tim tâm sự, trước kia người M’ Nông ở Tuy Đức không du cư nhưng lại du canh, cái bụng đói no nhờ nước trời. Từ khi thành lập huyện Tuy Đức gần hai chục năm trước, bà con mới làm quen với việc làm ruộng nước, mỗi năm 2 vụ lúa nên không còn lo thiếu lương thực.
Ông Điểu Tim khẳng định, làm giàu thì cần vài ba năm nữa, nhưng xóa nghèo thì tất cả các gia đình trong bon đều làm được.
Vùng biên giới Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã nhiều đổi thay
“Ở bon chúng tôi hiện nay bà con đã biết cách làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Trong sản xuất nông nghiệp như làm ruộng nước, trồng cà phê, tiêu... bà con đã biết áp dụng kỹ thuật để có năng suất hơn. Bây giờ có nhiều thông tin đại chúng để bà con nghe, xem học theo cách sản xuất, nên biết cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây trồng. Sản xuất nông nghiệp phát triển, kinh tế bà con đã ổn định hơn trước đây rất nhiều” - ông Điểu Tim chia sẻ.
Ông Trần Quốc Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So cho biết, ở vùng biên giới có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng với sự đầu tư toàn diện của nhà nước và cố gắng vươn lên của người dân, số hộ nghèo của xã đã giảm nhanh qua từng năm. Từ chỗ số hộ nghèo chiếm trên 50% cách đây 5 năm, nay chỉ còn 8,5%. Bà con người dân tộc thiểu số đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển cây công nghiệp như tiêu, cà phê, mắc ca nên thu nhập kinh tế khá lên.
Ông Trần Quốc Toàn cho biết, xã Đắk Búk So đã hoàn thành 17 tiêu chí nông thôn mới, và đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ là xã đầu tiên của huyện biên giới Tuy Đức được công nhận xã nông thôn mới.
Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Đắk Nông sở hữu biệt thự, ô tô trị giá tiền tỷ nhờ trồng cây công nghiệp.
Theo ông Toàn: “Bây giờ nhận thức của bà con về tập tục canh tác đã thay đổi. Bà con đã vận dụng, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật về nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó cơ sở vật chất hạ tầng của thôn bon cũng được đầu tư xây dựng cũng đã đáp ứng nhu cầu phát triển cho bà con”.
Cùng với phát triển các cây lương thực như lúa nước, khoai lang, cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê, Tuy Đức đã đưa vào cơ cấu cây trồng một loại cây công nghiệp mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, đó là cây mắc ca. Từ 2 ha trồng thử nghiệm vào năm 2010, đến nay toàn huyện Tuy Đức đã có trên 3.100 héc ta mắc ca. Trong đó 1.350 héc ta mắc ca đã cho thu hoạch, sản lượng năm 2023 là 1.800 tấn hạt.
Ông Đinh Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, đất đai màu mỡ và khí hậu mát mẻ quanh năm là những lợi thế để địa phương phát triển những loại nông sản cho giá trị cao. Hiện, toàn huyện đã có 10 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao là khoai lang và mắc ca.
Nhà sinh hoạt cộng đồng của người M'nông bon Bu N’Drung, xã Đắk Búk So, huyện biên giới Tuy Đức
“Huyện đang dựa vào lợi thế so sánh về quỹ đất đai, khí hậu rất thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp, những cây nông nghiệp hàng hoá có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, mắc ca. Đặc biệt là cây mắc ca, nhiều vùng trồng được nhưng Tuy Đức có lợi thế nhất". - ông Nhân cho biết.
Chú trọng phát triển nông nghiệp là nền tảng, huyện biên giới Tuy Đức đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác giảm nghèo. Nhìn rộng ra toàn tỉnh Đắk Nông, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 2,8%, trong đó giảm nghèo đối với hộ dân tộc thiểu số tại chỗ là 8,1%.
Theo ông K’Khét Atô, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, từ khi tái lập tỉnh năm 2004 đến nay, tỉnh luôn xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách của nhà nước đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh còn có những chính sách riêng đối với người dân tộc thiểu số, hỗ trợ toàn diện giúp bà con cả về kinh tế, giáo dục, văn hóa…
Những quyết tâm, nỗ lực và hàng loạt giải pháp của tỉnh đã mang lại kết quả đáng mừng khi thống kê trong 20 năm qua, Đắk Nông là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất cả nước và đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 33,7% vào cuối năm 2004 đến nay chỉ còn 5,2%.
Mắc ca đang là cây trồng chủ lực ở Tuy Đức mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào các dân tộc (Ảnh: Hồng Thủy)
Ông K’Khét Atô cho biết, Đắk Nông đặt mục tiêu năm 2024 giảm 3% hộ nghèo, và phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới.
“Ngoài các chính sách của Trung ương thì tỉnh Đắk Nông còn có chính sách đặc thù của địa phương, như chính sách hỗ trợ lãi suất khi bà vay vốn sản xuất kinh doanh, chính sách hỗ trợ học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, đề án bảo tồn phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Nông… Tất cả những chính sách đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào. Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông được đánh giá là giảm hộ nghèo nhanh nhất trong vùng Tây Nguyên” - ông K’Khét Atô nhấn mạnh.
Theo VOV - Tây Nguyên