Cẩm nang du lịch Đắk Nông 2024 từ A - Z
Lượt xem: 106
Đăk Nông có vẻ đẹp tự nhiên phong phú, hài hòa với những dòng thác xen lẫn núi đồi, thung lũng và rừng nguyên sinh. Đắk Nông đẹp nhất vào mùa xuân, từ khoảng tháng 1 vì đã qua mùa mưa, trời trong xanh và mát mẻ, thác nhiều nước. Sang tháng 3 đầu tháng 4 là mùa nở rộ của hoa cà phê, tháng 5-6 là mùa hoa muồng hoàng yến. Mùa hè ở Đăk Nông thường có mưa, nhưng nhanh ngớt.

Đăk Nông nằm ở cửa ngõ phía tây nam Tây Nguyên trên cao nguyên M’Nông, kết nối với Campuchia qua hai cửa khẩu Đăk Peur (huyện Đăk Mil) và Bup'rang (huyện Tuy Đức). Đăk Nông giáp Đăk Lăk ở phía đông và bắc, giáp Lâm Đông ở phía nam còn phía tây giáp Bình Phước và Campuchia.

Hồ Tà Đùng - "Vịnh Hạ Long ở Tây Nguyên" của Đăk Nông. Ảnh: Quỷ Cốc Tử

Di chuyển

Trung tâm tỉnh Đăk Nông là thành phố Gia Nghĩa, cách thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) khoảng 125 km, cách TP HCM khoảng 250 km. Để di chuyển đến Đăk Nông, bạn có thể lựa chọn các phương tiện như ôtô, xe khách, xe máy hay máy bay tùy điểm xuất phát.

Vé xe khách từ TP HCM đến Đăk Nông, khởi hành từ bến xe miền Đông của các nhà xe như Đại Nghĩa, Duyên Hà, Hoàng Long có giá dao động 150.000 - 200.000 đồng một người. Xe khởi hành từ Hà Nội giá vé 800.000 đồng (bao gồm hai bữa ăn). Thời gian xe chạy khoảng 6 tiếng từ TP HCM và khoảng 30 tiếng từ Hà Nội.

Đắk Nông chưa có sân bay nên nếu muốn di chuyển bằng đường hàng không, có thể lựa chọn Vietnam Airlines, Vietjet Air hoặc Bamboo Airways đến sân bay gần nhất là Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), giá vé từ 2 đến 3,5 triệu đồng. Chuyển tiếp bằng xe khách từ Buôn Ma Thuột để về Gia Nghĩa với giá 200.000 đồng.

Nếu muốn chủ động thời gian và tự do dừng nghỉ, có thể đi ôtô cá nhân hoặc xe máy từ TP HCM theo hướng Quốc lộ 14. Đường đẹp nên bạn không cần lo lắng, nhưng trước khi khởi hành hãy kiểm tra và bảo dưỡng xe cẩn thận, đồng thời tuân thủ quy định về an toàn giao thông.

Lưu trú

Có nhiều lựa chọn về lưu trú. Khách sạn Robin, Ngọc Thưởng, Dak Nong Lodge, Sunrise Hotel là những cơ sở được đánh giá cao trên các website đặt phòng. Giá dao động từ 300.000 đến gần 1,5 triệu đồng một đêm.

Một số homestay, farmstay ở Gia Nghĩa có tiếng như Yumin Farm house, Hoa Đất Garden, Ngô Gia Trang; ở huyện Đăk R'Lấp có Molly Home; ở Đăk Mil có Montagnards Home Farm, giá từ 150.000 đến 1 triệu đồng một đêm.

Robin-8363-1694257091.jpg

Daknong-Lodge-8763-1694257091.jpg

Nếu đi theo nhóm đông bạn có thể ở trong khu du lịch Tà Đùng hoặc Phượng Vân Farm để có cảm giác hòa mình với thiên nhiên. Cảnh quan hồ Tà Đùng được ví như "vịnh Hạ Long của Tây Nguyên" còn nông trại Phượng Vân thuộc thành phố Gia Nghĩa là một điểm đến được xem như "rừng trong phố" với không gian xanh của rừng, vườn cà phê xen lẫn những vườn rau xanh, cây ăn trái.

Chơi đâu

Từ trung tâm thành phố Gia Nghĩa, trong vòng bán kính khoảng 50 km, Đăk Nông có rất nhiều nơi để khám phá. Còn một số thắng cảnh thiên nhiên đẹp khá xa thành phố, do đó nên chia các tuyến tham quan trong khoảng 3 ngày 2 đêm, hoặc dài hơn.

Vườn Quốc gia Tà Đùng

Hồ Tà Đùng nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng thông tin du lịch Đăk Nông

ta-dung-3-3818-1694257091.jpg

Ta-Dung2-9822-1694257092.jpg

Vườn Quốc gia Tà Đùng thuộc địa phận xã Đăk Som, cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 45 km về phía đông nam theo Quốc lộ 28. Trung tâm của Vườn là hồ Tà Đùng. Hoạt động ngăn dòng thủy điện đã tạo ra hồ nước trên cao có diện tích khoảng 22.000 ha với hơn 40 hòn đảo và bán đảo lớn nhỏ. Đây là điểm đến không thể bỏ qua ở Đăk Nông.

Đến Tà Đùng, bạn sẽ được đi thuyền, thưởng ngoạn cảnh quan những hòn đảo hiện lên giữa mặt hồ, hít thở bầu không khí trong lành, khám phá cảnh sắc núi rừng, thiên nhiên hoang sơ. Ngoài ra, nơi đây còn có thác đá granite, hàng chục loài động thực vật quý hiếm.

Thác đá granite. Ảnh: Cổng thông tin du lịch Đăk Nông

Hang động núi lửa

Được phát hiện vào năm 2017 với hơn 50 hang, tổng chiều dài gần 10.000 m, đây là một trong những hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đăk Nông.

Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống hang động núi lửa được hình thành cách đây hơn 140 triệu năm. Trải qua thời gian, đến nay hệ thống hang động núi lửa vẫn còn lưu giữ những dấu tích, di chỉ khảo cổ hiếm gặp về nơi cư trú, sinh sống của người tiền sử cách ngày nay khoảng 6.000 - 7.000 năm.

Dãy núi lửa Nâm Kar

Dãy núi lửa Nâm Kar. Ảnh: Dak Nong UNESCO Geopark

Dãy núi lửa Nâm Kar được hình thành từ 3 núi lửa gồm một nón than chính và hai nón than phụ. Nón than chính cao 60 m, đường kính 220 m, miệng sâu khoảng 20 m tính từ đỉnh núi, có hình dạng oval điển hình. Ngọn núi có độ cao 660 m so với mực nước biển, được cấu tạo chủ yếu từ xỉ, mỗi viên xỉ có đường kính vài centimet.

Đồng bào M’Nông ở nơi đây vẫn còn lưu truyền những câu chuyện huyền bí về sự tích hình thành núi lửa Nâm Kar, với ý nghĩa giáo dục, nhắc nhở con cháu không xâm hại tài nguyên thiên nhiên.

Cung đường xanh biên giới

Với đường biên giới trải dài hơn 140 km, Đăk Nông kết nối với Campuchia qua hai cửa khẩu Đăk Peur (huyện Đắk Mil) và Bup'rang (huyện Tuy Đức). Trên hành trình khám phá cung đường này, bạn sẽ được trải nghiệm địa hình uốn lượn, hai bên là những cánh rừng thông.

Cung đường phù hợp để bạn thực hiện các chuyến caravan hay cắm trại, dã ngoại khám phá hệ sinh thái và văn hóa cộng đồng địa phương. Trên đường đi có rất nhiều thác, lúc hùng vĩ, khi lại chảy êm đềm xen kẽ những quần thể đá lộ thiên. Trên cung đường có nhiều cột mốc biên giới Việt Nam và Campuchia.

Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên

Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên nằm giữa rừng thông. Ảnh: Nguyễn Nam

Cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa khoảng 40 km, Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên là cơ sở Phật giáo phái Trúc Lâm lớn nhất tại Đăk Nông. Thiền viện liền với khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, không khí luôn mát mẻ, trong lành, tạo sự an yên, tĩnh tại.

Thiền viện mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống, không gian được phân thành các khu chức năng tiếp nối như khu chánh điện, tăng đường, lầu chuông, lầu trống, điện thờ Quan Thế Âm, trai đường, nhà khách và các công trình phụ trợ khác. Ở đây còn có khu vườn kinh Pháp cú ghi lại những lời Phật Thích Ca nói khi còn tại thế, được chạm khắc trên đá.

Nhà triển lãm âm thanh

Nhà triển lãm âm thanh tọa lạc tại khu đồi Đăk Nur, thành phố Gia Nghĩa được xem là bức tranh thu nhỏ, thể hiện những sắc màu âm thanh gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đăk Nông.

Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm những âm thanh đặc trưng từ các chất liệu khác nhau. Người tham quan sẽ được nghe lại âm thanh quen thuộc của bộ đàn đá, âm thanh từ hơi thở, nước, cây, lửa, gió... và âm thanh từ chính con người chúng ta. Đây được xem là nhà triển lãm âm thanh duy nhất tại Việt Nam hiện nay.

Chùa Pháp Hoa

Chùa Pháp Hoa. Ảnh: Nguyễn Nam

Được xây dựng năm 1957, đây là ngôi chùa lớn và lâu đời tại Đăk Nông. Bạn sẽ được tham quan các khu vực: Chánh điện 5 tầng, tăng xá, đài quan âm, cổng tam quan, vườn Lâm Tỳ Ni. Trong khuôn viên chùa còn có nhiều tượng Phật, tiểu cảnh, cây xanh được sắp xếp hài hòa.

Chùa Pháp Hoa không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân phố núi Đăk Nông mà còn là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Nằm ở trung tâm thành phố Gia Nghĩa nhưng không gian chùa rất yên bình.

Các thác nước

Thác Liêng Nung nằm ở xã Đăk Nia, cách Gia Nghĩa khoảng 9 km theo hướng Quốc lộ 28. Thác có cấu tạo đặc biệt, vách đá cao 35 m trên một vòm hang lớn nhô ra nơi dòng nước đổ xuống suối Đăk Nia. Trần vòm hang là những khối đá lục giác xếp kề nhau. Vòm hang có thảm thực vật sống động, tạo nên không gian huyền ảo. Xung quanh thác là cảnh quan thiên nhiên hoang dã với rừng cây nguyên sinh.

Thác Trinh Nữ cách thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút khoảng 3km, không ồn ào và hùng vĩ như những dòng thác khác quanh lưu vực sông Sêrêpốk. Thác nép mình, chảy êm đềm, len lỏi giữa những phiến đá bazan lớn có tuổi địa chất 2-5 triệu năm.

Thác Đắk G’lun thuộc xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 50 km. Thác cao gần 60 m, được bao bọc bởi hơn 1.000 ha rừng đặc dụng với hệ sinh thái phong phú, nhiều cây cổ thụ tán rộng xanh mát. Ngay bên cạnh thác có những bãi đất rộng và bằng phẳng để bạn cắm trại nghỉ qua đêm.

liengnung-4277-1694257092.jpg

trinhnu-6931-1694257092.jpg

thac-Dak-Glun-10-x-8397-1694257092.jpg

Khu du lịch Đray Sáp

Khu du lịch sinh thái văn hóa Đray Sáp - Gia Long (Khu du lịch Đray Sáp) thuộc xã Đăk Sôr, huyện Krông Nô, cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 110 km.

Nét đặc trưng của khu du lịch này là nằm trong vùng rừng đặc dụng với nhiều ghềnh thác nổi tiếng (thác Đray Sáp, thác Gia Long hay còn gọi là thác Đraysap thượng, thác Trinh Nữ, thác Đray Nu). Các dịch vụ lưu trú đa dạng, từ nhà dài Ê-đê đến nhà song lập, đặc biệt là hệ thống nhà nấm với mái làm bằng rơm, tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng.

Bạn có thể tham quan vườn thú với rất nhiều loài: nai, sơn dương, đà điểu, gấu, hổ, rắn, sư tử. Ngoài ra, khách có thể trải nghiệm các dịch vụ cắm trại, đạp xe trong rừng, chèo thuyền hay tham quan rừng đặc dụng.

Triển lãm nhạc cụ truyền thống

Tọa lạc tại bon (thôn) N’Jriêng, xã Đắk Nia, cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa hơn 9 km theo Quốc lộ 28 hướng đi Đà Lạt, Lâm Đồng.

Đến đây, bạn sẽ được khám phá khoảng 60 loại nhạc cụ của các dân tộc trên thế giới. Mỗi nhạc cụ có âm thanh riêng và hầu hết được chế tác từ một số loại đá và xương động vật. Trong gần 60 nhạc cụ cổ xưa đó có đàn đá Đăk Kar của đồng bào M’Nông với niên đại gần 3.000 năm. Đây là nhạc cụ "linh hồn" của nhà trưng bày.

Theo quan niệm của người M’Nông, đàn đá là sợi dây kết nối con người và thế giới tâm linh gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc bản địa tỉnh Đăk Nông. Đàn đá Đăk Kar cũng được chọn là một trong những biểu trưng của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đăk Nông.

Buôn cổ của người Ê Đê

 Cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 90 km theo hướng đi Đăk Lăk, buôn Buôr thuộc xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là buôn làng cổ nhất của người Ê Đê ở Tây Nguyên năm 2008.

Buôn Buôr nằm bên dòng sông Sêrêpốk. Trải qua nhiều thế kỷ, người dân vẫn giữ được những tập tục lâu đời như ủ rượu cần, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc hay đan lát vật dụng sinh hoạt hàng ngày bằng tre nứa và dệt thổ cẩm. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng nét đẹp từ những căn nhà sàn truyền thống; những sản phẩm thổ cẩm dệt tay tỉ mỉ thể hiện nét văn hóa của người Ê Đê; cùng hòa mình với vũ điệu cồng chiêng. Bạn còn có thể được tham dự những nghi lễ cổ xưa như lễ cúng nhà mới, lễ rước Kpan, lễ mừng lúa mới, kết nghĩa anh em.

Điện gió Đăk Song

Điện gió Đăk Song. Ảnh: Thùy Linh

Dọc theo Quốc lộ 14, cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 40 km, bạn sẽ đến huyện Đăk Song, di chuyển đến xã Đăk Hòa hoặc xã Nam Bình để được nhìn ngắm những công trình điện gió khổng lồ.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng và là dự án điện gió thứ 6 được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Nhà máy điện gió Asia Đăk Song 1 có công suất 50MW, với 13 tuabin.

Huyện Đăk Song được xem là "thủ phủ" điện gió của tỉnh Đắk Nông với 6 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư và triển khai xây dựng. Tổng công suất của các dự án này 430MW.

Nhà thờ Nhân Cơ

Nhà thờ Nhân Cơ ở xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông. Đây là một nhà thờ đẹp với kiến trúc độc đáo mà bạn có thể nhìn thấy từ xa khi ngang qua Quốc lộ 14.

Giáo xứ Nhân Cơ được thành lập từ tháng 5 năm 2004, ban đầu chỉ là một nhà thờ tạm. Tháng 3 năm 2014, nhà thờ mới được khởi công xây dựng như hình dáng ngày nay.

Nhà thờ Nhân Cơ nằm trên một ngọn đồi thấp, mang kiến trúc Gothic với màu xanh lam sậm nổi bật. Nhìn từ xa, nhà thờ Nhân Cơ trông như tòa lâu đài huyền bí. Bước vào bên trong, ngôi thánh đường càng trở nên quyến rũ và huyền ảo bởi các đường nét kiến trúc và chi tiết trang trí đối xứng tuyệt đẹp.

Chợ phiên Đăk R’Măng

chophien1-6962-1694257093.jpg

Đến Đăk Nông, ngoài việc trải nghiệm giá trị văn hóa của các dân tộc bản địa, bạn sẽ được hòa mình vào không khí nhộn nhịp của những buổi chợ phiên của người Mông trên cao nguyên M’Nông tại xã Đăk R’Măng, huyện Đăk G’Long. Chợ được mở vào chủ nhật hàng tuần, bày bán các loại hàng hóa, từ đồ thổ cẩm, đồ gia dụng, dược liệu, công cụ sản xuất cho đến các món ăn đặc sản như thắng cố, rượu ngô.

Đồi 722 - Đăk Săk

Di tích lịch sử đồi 722 – Đăk Săk cao 722m so với mực nước biển, rộng gần 4ha nằm tại thôn 4, Thổ Hoàng, xã Đăk Săk, huyện Đăk Mil. Nơi đây ghi dấu những mốc son lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ của nhân dân tỉnh Đăk Nông với nhiều trận đánh ác liệt. Hiện nay, một số di vật, quân trang, quân dụng như giày, mũ, vỏ đạn... vẫn còn được lưu giữ, bảo quản tại khu di tích đồi 722. Ngày 24/10/2012, di tích đồi 722 - Đăk Săk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nếu còn thời gian, du khách nên ghé thêm Vườn Quốc gia Yok Đôn. Một phần vườn nằm trên địa phận tỉnh Đăk Nông, phía nam của sông Serepốk, nhưng cổng chính thuộc Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk. Du khách có thể trải nghiệm trekking, chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, đặc biệt có thác Bảy Nhánh hùng vĩ và hệ sinh thái động thực vật phong phú. Vé vào cổng: 40.000 đồng một người lớn và 20.000 đồng một trẻ em.

Ăn uống

Các món ăn truyền thống của người bản địa rất đa dạng, luôn kết hợp nhiều loại nguyên liệu, thể hiện tính đoàn kết cộng đồng. Nguyên liệu chủ yếu gồm lá bép, đọt mây, cà đắng, măng le, cá suối, thịt thú rừng.

Hầu hết các món ăn đều được chế biến theo kiểu luộc hoặc nướng, nấu canh, với vị đắng, cay cùng màu sắc mang đậm tính thiên nhiên hòa hợp.

Cơm lam, thịt nướng

Cơm lam là món ăn được yêu thích và luôn có mặt trong các lễ hội, cuộc vui của đồng bào địa phương. Nguyên liệu chính của món cơm lam là gạo nếp. Sau khi ngâm, gạo được bỏ vào ống tre, ống nứa, lấy nước suối để nấu. Những ống nứa đựng gạo nếp được đốt trên lửa hoặc vùi trong than. Khi cơm chín, người ta chẻ bỏ lớp cháy bên ngoài, lộ ra phần ruột trắng.

Đi cùng với cơm lam là thịt nướng, cũng từ thịt gia súc, gia cầm, nhưng thường chế biến theo một cách rất riêng. Phần lớn nguyên liệu không ướp tẩm gia vị, được xiên que nướng trên than hoặc bỏ vào ống lồ ô và nướng. Cách chế biến này tốn ít thời gian, thuận lợi cho việc đi rừng, đi rẫy... Khi ăn người ta hay chấm với muối ớt.

Cá lăng nướng sông Sêrêpốk

Sông Sêrêpốk chảy qua huyện Krông Nô và huyện Cư Jút của Đăk Nông có nhiều loại cá lăng, phổ biến nhất là cá lăng đuôi đỏ.

Cá lăng có thể làm được nhiều món như nướng, om, làm chả, hấp, xào tỏi hay nấu cháo. Trong đó, cá lăng nướng than hồng là món hấp dẫn. Cá được bọc trong lá rừng rồi mới đem nướng, chấm muối làm từ sả, ớt xanh và lá rừng. Cá lăng nướng ăn cùng với cơm lam mang lại hương vị đậm đà và đặc trưng của ẩm thực Đăk Nông. Đây là một trong Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam 2020 và 2021.

Canh thụt đọt mây

Canh thụt là món ăn lâu đời của người M’Nông và các dân tộc tỉnh Đắk Nông. Theo người bản địa, tên "canh thụt" xuất hiện từ việc ngày xưa, người dân đi làm nương thường nấu canh trong những ống tre, nứa mọc trong rừng. Khi nấu, người ta dùng đũa để khuấy các nguyên liệu cho mềm.

Món ăn là sự kết hợp các loại rau rừng như lá bép (còn gọi là lá nhíp), đọt mây, cà đắng với các loại cá suối để cho ra món canh dân dã nhưng hấp dẫn. Canh thụt ngoài các nguyên liệu kể trên còn được kết hợp với lòng non, sườn heo, cá hộp để tạo thêm sự đa dạng hương vị.

Đặc sản

Đăk Nông nổi tiếng với những món quà là đặc sản của núi rừng Tây Nguyên.

Cà phê

Đất bazan màu mỡ, địa hình, khí hậu và lượng mưa phù hợp tạo khiến Đăk Nông trở thành một trong những vùng trọng điểm về trồng, chế biến cà phê và tạo cho hạt cà phê chất lượng cao, hương vị khác biệt so với những vùng đất khác, nổi tiếng là cà phê Robusta, Arabica, Culi...

Hạt tiêu Đăk N’rung

Hạt tiêu Đăk N’rung cũng là một đặc sản Đăk Nông nổi tiếng. Hạt tiêu ở đây được đánh giá cao về chất lượng với đặc điểm chung là hạt to, tròn, mẩy và thơm. Tiêu sọ được đóng gói thành phẩm rất tiện vận chuyển nên được nhiều người chọn mua làm quà.

 Hạt macca

Địa hình và thổ nhưỡng Đăk Nông phù hợp để trồng cây macca. Đây là loại cây có nguồn dinh dưỡng cao. Hạt macca được người dân canh tác theo phương pháp truyền thống, không sử dụng hóa chất và không lạm dụng phân vô cơ. Vì thế, hạt macca ở đây hoàn toàn tự nhiên, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người dùng. Hạt macca được mệnh danh là nữ hoàng của các loại hạt không chỉ bởi thành phần dinh dưỡng vượt trội mà còn vị thơm ngon đắm say lòng người.

Bơ sáp Đăk Mil

Bơ sáp Đăk Mil vỏ mỏng và trơn láng. Khi chín, thịt trái bơ có màu vàng xanh và không có xơ. Chính thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp cùng bàn tay chăm sóc của người dân nơi đây đã tạo ra những trái bơ dẻo quánh, thơm ngon ít nơi nào có được.

Gạo Buôn Choáh

Gạo được trồng tại xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô - vựa lúa lớn nhất của tỉnh Đăk Nông. Vùng đất này được hình thành trên nền đất núi lửa, khí hậu thuận lợi cùng nguồn nước tưới có hàm lượng khoáng chất lớn, góp phần tạo nên danh tiếng gạo Buôn Choáh với hương vị đặc trưng.

Sầu riêng

Sầu riêng cũng là một trong những mặt hàng nông sản nổi tiếng của Đăk Nông mà bạn có thể dùng làm quà. Sầu riêng ngon được trồng chủ yếu trên đất đỏ bazan ở Đăk Mil nên vị ngọt và hương thơm đặc biệt. Ở Đăk Mil có nhiều trang trại sầu riêng và vườn cây ăn trái đón khách tham quan.

Theo vnexpress.net

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 27° - 29° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1