Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Lượt xem: 151
Sáng 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Cùng dự ở đầu cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, các tổ chức tài chính, ngân hàng, hiệp hội bất động sản.

Tại điểm cầu Đắk Nông, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến cùng các đại biểu dự hội nghị.

anh-daknong.jpg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Theo Bộ Xây dựng, việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 338/QĐ-TTg về "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Chính phủ bố trí cho chương trình 120.000 tỉ đồng để chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vay với mức lãi suất thấp.

Thời gian qua, một số địa phương đã có cách làm tốt, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn và bước đầu cho thấy kết quả tích cực. Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội nhưng việc đầu tư xây dựng còn hạn chế so với mục tiêu của đề án.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đảng, Nhà nước ta xác định xây dựng, phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột: xây dựng nền dân chủ XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

anh-thu-tuong.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Theo Thủ tướng, nhà ở là 1 trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, "an cư mới lạc nghiệp", công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Việc phát triển nhà ở xã hội là phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, với truyền thống văn hóa - lịch sử, đạo đức xã hội của dân tộc ta.

Thủ tướng điểm lại một số cơ chế ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội như: Được dành tối đa 20% tổng diện tích đất để xây dựng công trình, dịch vụ, nhà ở thương mại; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất; được vay vốn với lãi suất ưu đãi…

Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội đã có chuyển biến tích cực, các bộ ngành, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp cùng tìm cách, cùng làm, người dân cũng cố gắng, đã làm được một số việc, nhưng đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Hội nghị lần này nhằm chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm; những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương.

Từ năm 2021 - 2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai, với quy mô 411.250 căn. Về quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, cả nước hiện đã quy hoạch 1.316 khu đất, với quy mô 8.611ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252ha so với năm 2020.

Theo Báo Đắk Nông điện tử

Đánh giá - Nhận xét

5
1 Nhận xét
  • 1
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 28° - 29° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1