Báo cáo công khai biểu mẫu, thuyết minh làm căn cứ trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định dự toán ngân sách nhà nước tỉnh Đắk Nông năm 2022
Lượt xem: 7838
Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo công khai chỉ tiêu, biểu mẫu, thuyết minh làm căn cứ trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2022, cụ thể như sau:

I. Phương án xây dựng dự toán ngân sách địa phương năm 2022

1. Thu NSNN trên địa bàn:

Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương và nhiệm vụ trung ương giao,  dự kiến kế hoạch thu NSNN trên địa bàn năm 2022 trình HĐND tỉnh là 3.000 tỷ đồng, tăng 16% so với dự toán Trung ương dự kiến giao năm 2022, cụ thể:

+ Thu nội địa là 2.837 tỷ đồng, cao hơn 17% so với dự toán Trung ương dự kiến giao năm 2022 và tăng 20% so với ước thực hiện năm 2021.

+ Thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu là 163 tỷ đồng, bằng với dự toán Trung ương dự kiến giao năm 2022 và giảm 73% so với ước thực hiện năm 2021.

2. Thu ngân sách địa phương hưởng theo phân cấp:

- Với số thu NSNN trên địa bàn là 3.000 tỷ đồng và số ngân sách trung ương bổ sung thì thu ngân sách địa phương năm 2022 sẽ là 7.788 tỷ đồng, bao gồm:

- Các khoản thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp là 2.637 tỷ đồng, tăng so với dự toán trung ương dự kiến giao là 415 tỷ đồng (bao gồm từ nguồn thu tiền sử dụng đất là 270 tỷ đồng và thuế, phí là 145 tỷ đồng).

- Bổ sung từ ngân sách cấp trên là 5.151 tỷ đồng, gồm: bổ sung cân đối 3.498 tỷ đồng và bổ sung có mục tiêu để thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ 1.653 tỷ đồng (chi đầu tư phát triển 1.591 tỷ đồng và chi thực hiện các chế độ, chính sách là 62 tỷ đồng.

3. Chi ngân sách địa phương:

Với số liệu thu NSNN và một số định hướng về bố trí NSĐP năm 2022, dự kiến tổng dự toán chi NSĐP năm 2022 sẽ là 7.835 tỷ đồng, tăng 415 tỷ đồng so với Trung ương giao năm 2022 và tăng 771 tỷ đồng so với dự toán năm 2021, bao gồm:

a) Chi cân đối ngân sách địa phương là 6.182 tỷ đồng

- Chi đầu tư phát triển là 1.166 tỷ đồng, tăng 270 tỷ đồng so với trung ương dự kiến giao năm 2022 và tăng 140 tỷ đồng so với dự toán năm 2021.

- Chi thường xuyên là 4.781 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng so với trung ương dự kiến giao năm 2022 và tăng 309 tỷ đồng so với dự toán năm 2021 (do năm 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách nên các chế độ, chính sách trung ương đã ban hành không hỗ trợ có mục tiêu mà được cơ cấu vào chi cân đối và đã tính đủ tiền lương, phụ cấp theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng của 12 tháng do NSNN đảm bảo). Trong đó:

+ Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề 2.035 tỷ đồng, bằng mức Trung ương dự kiến giao năm 2022 và tăng 57 tỷ đồng so với dự toán năm 2021;

+ Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ 17 tỷ đồng, cao hơn trung ương dự kiến giao năm 2022 là 04 tỷ đồng và tăng 3% so với dự toán năm 2021;

+ Chi sự nghiệp môi trường 99 tỷ đồng bằng mức trung ương dự kiến giao năm 2022 và tăng 96% so với dự toán năm 2021.

- Chi trả lãi vay các khoản do chính quyền địa phương vay là 3 tỷ đồng.

- Chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính là 1 tỷ đồng.

- Dự phòng ngân sách là 129 tỷ đồng, cao hơn trung ương dự kiến giao năm 2022 là 14 tỷ đồng.

- Chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương 131 tỷ đồng (tương ứng phần ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp tăng so với trung ương giao do địa phương giao tăng thu phải thực hiện tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định).

b) Chi từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu là 1.653 tỷ đồng, tăng 441 tỷ đồng so với dự toán năm 2021. Bao gồm: chi đầu tư phát triển là 1.591 tỷ đồng, tăng 589 tỷ đồng so với dự toán năm 2021; chi thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định 62 tỷ đồng, giảm 146 tỷ đồng (năm 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách nên các chế độ, chính sách được cơ cấu vào chi cân đối).

4. Dự kiến phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2022

4.1. Tổng chi ngân sách cấp tỉnh là 4.276 tỷ đồng, gồm:

a) Chi cân đối ngân sách cấp tỉnh là 2.626 tỷ đồng, cụ thể:

- Chi đầu tư phát triển 649 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư cho các dự án là 596 tỷ đồng; chi trích lập Quỹ phát triển đất là 53 tỷ đồng (tương ứng với 20% số thu tiền sử dụng đất của ngân sách cấp tỉnh được hưởng).

- Chi thường xuyên từ cân đối ngân sách cho các cơ quan, đơn vị và thực hiện một số nhiệm vụ chi là 1.800 tỷ đồng.

+ Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 65 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định: Tỷ lệ trích lập Quỹ thi đua, khen thưởng tập trung của tỉnh năm 2022 là 1% tổng chi thường xuyên theo định mức năm 2022 của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh.

+ Dự kiến ngân sách tỉnh sẽ bố trí 15 tỷ đồng để đảm bảo nguồn lực thực hiện diễn tập phòng thủ của cấp tỉnh trong năm 2022, việc phân bổ thực hiện trên cơ sở kế hoạch phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

- Chi trả nợ lãi các khoản do chính quyền địa phương vay lại của Chính phủ vay nước ngoài là 3 tỷ đồng.

- Chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính là 1 tỷ đồng.

- Dự phòng ngân sách 72 tỷ đồng, tương ứng 4% tổng chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh.

- Chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương 102 tỷ đồng.

b) Chi từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu là 1.649 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư phát triển 1.591 tỷ đồng và chi thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định là 59 tỷ đồng.

4.2. Chi bổ sung cho ngân sách các huyện, thành phố là 2.488 tỷ đồng, bao gồm: chi bổ sung cân đối ngân sách 2.365 tỷ đồng và chi bổ sung có mục tiêu là 123 tỷ đồng.

5. Kế hoạch vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước năm 2022 là 55,3 tỷ đồng. Kế hoạch chi trả nợ gốc trong năm là 9 tỷ đồng. Dự kiến tổng dư nợ vay cuối năm 2022 là 213 tỷ đồng (tương ứng 40% mức dư nợ vay tối đa của NSĐP). Bội chi NSĐP năm 2022 là 47 tỷ đồng.

II. Một số giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2022

1. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng các thế mạnh và tiềm năng của địa phương để khai thác nguồn thu mới, tạo nguồn thu bền vững.

2. Tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN, quyết tâm thu đạt và phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu NSNN được giao, theo đó:

a) Các Sở, ngành, chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu trên địa bàn. Đặc biệt là các khoản thu lớn, các khoản thu mới phát sinh, các khoản thu cần sự phối hợp của nhiều ngành như các khoản thu từ đất. Giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ thu đối với khoản thu từ thuế, phí, lệ phí, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thu khác ngân sách...

b) Thực hiện công tác thống kê, rà soát sắp xếp lại, xử lý tài sản công để cho thuê hoặc đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định, xác định cụ thể, xây dựng kế hoạch, phương án bán một số trụ sở cơ quan tại các địa phương. Cho phép điều chỉnh cục bộ các khu đất mà trong quy hoạch là đất cơ quan, đất công cộng, đất dôi dư... sang đất ở, đất sản xuất kinh doanh dịch vụ. Tăng cường quản lý đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tăng thu tiền sử dụng đất đối với đất ở, nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các khu đất để giao đất tái định cư, tập trung cao độ công tác đấu giá đất, giao đất.

c) Cơ quan thuế cần tập trung vào các giải pháp quản lý thu, tăng thu như:

- Chống thất thu, chống chuyển giá; giám sát việc khai thuế phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, các khoản thu từ đất, thu từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh thương mại trên nền kỹ thuật số, chống gian lận thương mại, lợi dụng xuất xứ hàng hóa để tránh thuế, trốn thuế,...

- Tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; duy trì và tăng cường hoạt động chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế tại địa phương; thực hiện kịp thời các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra liên quan đến thu ngân sách (nếu có).

- Thực hiện rà soát để tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp có trụ sở ở địa phương khác nhưng phát sinh hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện khai và nộp thuế cho ngân sách tỉnh.

d) Nhằm tăng thu cho ngân sách, tránh thất thoát các nguồn thu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế ủy nhiệm cho Kho bạc Nhà nước thu thuế giá trị gia tăng của các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn khi thực hiện thanh toán vốn đầu tư; đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế trích kinh phí để chi trả cho các đối tượng có liên quan đến công tác thu vượt dự toán (trên cơ sở Quy chế phối hợp). Phần trích hỗ trợ chi phí này giao cho cơ quan tài chính trình Ủy ban nhân dân các cấp tính toán, hỗ trợ một các hợp lý trên cơ sở số thu vượt dự toán và số chi phí phục vụ công tác thu hằng năm.

3. Chi ngân sách cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, đảm bảo quốc phòng - an ninh và chính sách an sinh, xã hội trên địa bàn; loại bỏ sự trùng lặp, lãng phí, phân tán trong chi NSĐP và nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Trong đó:

a) Việc phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải đảm bảo đúng với dự toán ngân sách được giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ thu, chi được giao; đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

b) Trong điều hành ngân sách nhà nước, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đề ra những biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách được giao; chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính.

c) Các huyện, thành phố rà soát chế độ, chính sách an sinh xã hội, nhất là các khoản chi cho con người để đảm bảo chi đúng đối tượng và thời gian theo quy định; chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương và ngân sách cấp tỉnh bổ sung để thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, không để phát sinh tình trạng chậm, muộn, nợ chế độ, chính sách trên địa bàn; đồng thời, chủ động sử dụng dự phòng và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh theo quy định.

4. Tăng cường thực hiện cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công gắn với thúc đẩy lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đã đề ra và cơ cấu lại ngân sách nhà nước chi cho từng lĩnh vực; đồng thời, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động sử dụng nguồn thu phí, dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác để phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

5. Đối với kinh phí Trung ương bổ sung trong năm đã xác định cụ thể nhiệm vụ chi; các nhiệm vụ chi bố trí trong dự toán đầu năm chưa phân bổ chi tiết đơn vị thực hiện; điều chỉnh dự toán giữa các nhiệm vụ chi, các đơn vị đã giao trong năm nhưng không làm thay đổi tổng dự toán: Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động triển khai thực hiện theo quy định, đồng thời báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

6. Để tăng cường công tác quản lý đất đai, các huyện, thị xã sử dụng tối thiểu 10% số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 04/04/2013 và Quyết định số 191/QĐ-TTg ngày 08/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ (ngân sách cấp tỉnh sẽ không hỗ trợ thêm cho ngân sách các huyện, thị xã trong trường hợp các địa phương không bố trí đủ 10% theo yêu cầu).

Xem chi tiết tại đây

H.M

]]>

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 26° - 27° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1