Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh trong tuần (Từ ngày 04 - 08/3/2024)
Lượt xem: 153
Ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông; chủ động công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; ban hành Danh mục Quyết định của UBND tỉnh quy định chi tiết các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ sáu... Là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh trong tuần (Từ ngày 04 - 08/3/2024).

Anh-tin-bai

Ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông

Ngày 04/03/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2024 và thay thế Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế làm việc của UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Quyết định số 193/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về một số nội dung triển khai thực hiện Quy chế làm việc của UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Chuẩn hóa bộ TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh

Xét Báo cáo số 28/BC-STTTT ngày 25 tháng 01 năm 2024 của Sở Thông tin và Truyền thông về việc một số khó khăn, tồn tại về tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến tỉnh Đắk Nông. Ngày 04/03/2024, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1142/UBND-PNC về việc chuẩn hóa bộ TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về  thủ tục hành chính (TTHC) và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Theo đó, nhằm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách, nâng cao hiệu quả giải quyết (TTHC) và cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện nhiệm vụ chuẩn hóa thông tin bộ TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh (https://dichvucong.daknong.gov.vn).

Sau khi xem xét, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo như sau:

Giao các Sở, Ban, ngành: Trên cơ sở Quyết định số 889/QĐ-UBND ngày 25/7/2023 của UBND tỉnh về việc công bố Danh mục TTHC trực tuyến một phần và toàn trình thuộc phạm vi chức năng quản lý của các Sở, Ban, ngành, địa phương; Quyết định số 325/QĐ-UBND ngày 12/3/2021 về việc Công bố Danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận tại Bộ phận một cửa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2021, rà soát, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Danh mục TTHC ban hành kèm theo 02 Quyết định nêu trên bảo đảm quy định (theo Phụ lục đính kèm). Toàn bộ Danh mục TTHC gửi về UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh) và Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 20/3/2024.

Các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố:

Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn sử dụng DVC trực tuyến khi giải quyết TTHC, đặc biệt là các TTHC liên thông, các TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ, nhằm nâng cao hiệu quả, tăng tỉ lệ sử dụng DVC trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Giao Văn phòng UBND tỉnh:

Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh công bố toàn bộ Danh mục TTHC trên địa bàn tỉnh bảo đảm theo quy định. Hoàn thành trước ngày 10/4/2024.

Sở Thông tin và Truyền thông: Trên cơ sở Danh mục TTHC của các Sở, Ban, ngành cung cấp, tổng hợp toàn bộ Danh mục DVC trực tuyến toàn trình tham mưu UBND tỉnh công bố theo quy định. Hoàn thành trước ngày 10/4/2024; Nhận được Công văn này, yêu cầu các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện.

Đính chính địa chỉ thửa đất tại tiêu đề của Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 25/7/2018 của UBND tỉnh Đắk Nông

Ngày 04/03/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 227/QĐ-UBND về việc đính chính địa chỉ thửa đất tại tiêu đề của Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 25/7/2018 của UBND tỉnh Đắk Nông, cụ thể như sau:

Nội dung trước khi điều chỉnh: Về việc thu hồi 73.000,0 m² đất của Công ty TNHH MTV Cà phê Đắk Nông; đồng thời, cho Công ty TNHH Sơn Trung Kim thuê đất thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản đá Bazan đội 1, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Nội dung sau khi điều chỉnh: Về việc thu hồi 73.000,0 m² đất của Công ty TNHH MTV Cà phê Đắk Nông; đồng thời, cho Công ty TNHH Sơn Trung Kim thuê đất thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản đá Bazan đội 1, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Các nội dung khác thực hiện theo Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 25/7/2018 của UBND tỉnh Đắk Nông.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức; Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo; Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trung Kim và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Chủ động công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024

Ngày 05/3/2024, UBND tỉnh ban hành văn bản số 1189/UBND-NNTNMT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Hiện nay, trên một số lưu lượng trên các sông, suối mực nước tiếp tục dao động theo xu thế giảm, đặc biệt ở khu vực phía Bắc tỉnh nguồn nước tại nhiều suối nhỏ đã bị cạn kiệt. Dự báo trong thời gian tới nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, không xuất hiện mưa, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước phục vụ tưới cục bộ, đặc biệt tại các huyện (Cư Jút, Krông Nô và Đắk Mil) thuộc khu vực phía Bắc tỉnh.

Để chủ động công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024; giảm thiểu ảnh hưởng, thiệt hại do hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh chỉ đạo như sau:

(1) Yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, các Công ty thủy điện trên địa bàn tỉnh và các đơn vị chủ rừng nghiêm túc thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 769/KH-UBND ngày 22/11/2023 của UBND tỉnh về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Công văn số 378/UBND-NNTNMT ngày 18/01/2024 của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước; Công văn số 804/UBND-NNTNMT ngày 06/02/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2024. Trong quá trình thực hiện, báo cáo đề xuất các khó khăn, vướng mắc về UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, chỉ đạo.

(2) UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa: Tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; kiểm tra, xây dựng các phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước; báo cáo tình hình, diễn biến thời tiết, nguồn nước, hạn hán và nhận định tình hình hạn hán, thiếu nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn; chủ động rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước gây ra; xem xét hỗ trợ hoặc đề xuất hỗ trợ kịp thời theo quy định.

(3) Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh: Chủ động điều tiết nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn; báo cáo tình hình nguồn nước tại các công trình thủy lợi; tình hình hạn hán, thiếu nước và công tác phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2024 tại các công trình thủy lợi do đơn vị được giao quản lý, khai thác.

(4) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổng hợp tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn các huyện, thành phố Gia Nghĩa báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định. Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương thực hiện kế hoạch, giải pháp phòng chống hạn, thiếu nước (kiểm tra, tổng hợp nguồn nước trong các hệ thống thủy lợi, kế hoạch sử dụng nước, điều chỉnh thời vụ, giống cây trồng phù hợp, ...) chỉ đạo triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống, thời vụ, phổ biến các biện pháp, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước tưới. Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, kịp thời điều chỉnh phương án phòng chống hạn hán, lưu ý sắp xếp thứ tự ưu tiên cấp nước cho dân sinh, chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức và tăng cường tổ, đội quần chúng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cộng đồng dân cư nơi có rừng. Tập trung chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các phương án của các đơn vị quản lý rừng và phương án phối hợp trong công tác chữa cháy rừng với các đơn vị, địa phương nơi có rừng.

Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đắk Nông năm 2024

Nhằm thực hiện các chương trình OCOP năm 2024, góp phần triển khai hiệu quả các mục tiêu đề ra của Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND vào ngày 05/03/2024 về Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đắk Nông năm 2024, mục tiêu cần thực hiện cụ thể như sau:

Tổ chức đánh giá, phân hạng từ 05 sản phẩm trở lên đối với các sản phẩm dự thi OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Các huyện, thành phố Gia Nghĩa tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm mới từ 03 sản phẩm trở lên/huyện, thành phố; chú trọng phát triển các sản đặc sản, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương.

Kiểm tra, đánh giá các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận, các sản phẩm hết hạn Giấy chứng nhận trong năm 2024.

Tổ chức các lớp: Bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý thực hiện Chương trình; tập huấn cho các chủ thể sản xuất có sản phẩm OCOP, chủ thể có sản phẩm tiềm năng nâng cao năng lực về tổ chức hoạt động.

Xây dựng các clip, phóng sự, quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP, phát sóng trên Đài phát thanh truyền hình, các bài tuyên truyền về Chương trình OCOP, đăng tải trên các phương tiện truyền thông; tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung tham dự các kỳ xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP.

Phấn đấu 100% sản phẩm OCOP được đưa lên ít nhất một sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, website...

Duy trì, phát triển website http://ocopdaknong.vn/: 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu, cập nhật trên website.

Hỗ trợ phát triển, phát huy hiệu quả các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố Gia Nghĩa.

Tổ chức triển khai thực hiện mô hình thí điểm “Phát triển sản phẩm OCOP cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản gắn với vùng nguyên liệu sản xuất cà phê theo hướng sinh thái, bền vững trên địa bàn huyện Đắk Mil” thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.

Chú trọng chủ thể là tổ chức kinh tế hợp tác (Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã) sản xuất tham gia Chương trình OCOP.

Xây dựng hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP đồng bộ, hiệu quả, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát sản phẩm OCOP.

Hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tư vấn phát triển sản phẩm, xây dựng hồ sơ sản phẩm; tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; xây dựng bộ công cụ hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP; tài liệu hướng dẫn, tập huấn, đào tạo cán bộ thực hiện chương trình OCOP các cấp, cá nhân tham gia chu trình OCOP; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì sản phẩm, in tem; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP; lắp đặt các bảng nhận diện OCOP và các nội dung về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên...

Kế hoạch gồm 08 nhiệm vụ chính, mỗi nhiệm vụ có các giải pháp cụ thể và được phân công rõ ràng các đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện.

UBND tỉnh giao:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch này và hướng dẫn các địa phương xây dựng, triển khai Chương trình OCOP ở địa phương. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và các đơn vị có liên quan triển khai Chương trình OCOP; quản lý, giám sát và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Chương trình OCOP ở địa phương. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tổ chức đánh giá, phân hạng và tổ chức công bố sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính dự kiến phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình OCOP trong phương án phân bổ kế hoạch vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa trong công tác truyền thông, tuyên truyền; đào tạo, tập huấn; quảng bá, thúc đẩy thương hiệu OCOP trên thị trường; đẩy mạnh mạng lưới Chương trình OCOP. Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các địa phương xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và triển khai tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp tăng cường chuyển đổi số Chương trình OCOP; triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát và quản lý sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp nhu cầu, dự kiến phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình năm 2024, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, đảm bảo bố trí kinh phí dự kiến phân bổ thực hiện Chương trình trong kế hoạch kinh phí sự nghiệp của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Sở Công Thương: Hỗ trợ các chủ thể OCOP ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị từ nguồn khuyến công. Hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia các chương trình, hội nghị, hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua hoạt động xúc tiến thương mại; phối hợp đưa các sản phẩm OCOP giao dịch qua các sàn thương mại điện tử. Phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh đối với những sản phẩm đăng ký tham gia và sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP thuộc phạm vi quản lý của Sở theo quy định của pháp luật.

Sở Khoa học và Công nghệ: Tổng hợp đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ hàng năm và phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức chuyển giao kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển sản xuất sản phẩm thuộc Chương trình OCOP. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong chương trình OCOP…

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh

Ngày 05/03/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1188/UBND-NNTNMT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh chỉ đạo như sau:

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Phối hợp với UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tổ chức giám sát, - triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm theo quy định. - Chủ động lấy mẫu xét nghiệm giám sát sự lưu hành của vi rút Cúm gia cầm tại các nơi có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh, phát hiện kịp thời để chủ động trong công tác phòng, chống dịch Cúm gia cầm.

Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh sử dụng các loại vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm theo khuyến cáo của Cục Thú y.

Phối hợp với các địa phương chủ động thành lập các Đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Duy trì chế độ trực tại các Điểm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm từ động vật ra vào địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhằm chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Cúm gia cầm, đặc biệt không để xảy ra trường hợp nhiễm, tử vong vì bệnh Cúm gia cầm; phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Chủ trì, phối hợp với ngành nông nghiệp tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh): Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm; phối hợp với lực lượng Biên phòng, Hải quan tại các cửa khẩu kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm từ gia cầm qua biên giới vào địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông và các cơ quan thông tin phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về nguy cơ và tác hại của dịch Cúm gia cầm và Cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9 ở người; khuyến cáo người dân không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống để người dân biết, chủ động thực hiện bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa:

Triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Quyết định số 1262/QĐ-UBND ngày 02/8/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2019-2025 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan.

Tổ chức giám sát chặt chẽ đàn gia cầm trên địa bàn, khi phát hiện gia cầm bệnh, nghi mắc bệnh lấy mẫu gửi xét nghiệm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi rút Cúm gia cầm, các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành y tế khí phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm.

Tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi bằng với bột, hóa chất để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi gia cầm chủ động tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm cho đàn gia cầm vật nuôi để phòng bệnh theo quy định. Yêu cầu người dân không giấu dịch, không tự vận chuyển gia cầm bị mắc bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác gia cầm chết bừa bãi làm dịch bệnh lây lan.

Chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc gia cầm đưa vào giết mổ; đảm bảo gia cầm sống bản tại các chợ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng theo quy định và kiểm tra công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tại các xã, phường, thị trấn. Kịp thời chấn chỉnh đối với các địa phương lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát sự lưu hành virus Cúm gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên địa bàn để kịp thời phát hiện, cảnh báo và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm theo quy định.

Phê duyệt Quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Giao thông vận tải

Ngày 05/03/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 232/QĐ-UBND kèm theo Quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Giao thông vận tải.

UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật Quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Giao thông vận tải trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Đắk Nông.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông

Ngày 06/03/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 236/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông với các nội dung sau:

Phân bổ diện tích các loại đất trong năm kế hoạch: (Chi tiết theo Phụ lục 1 kèm theo).

Kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất năm 2024: (Chi tiết theo Phụ lục II kèm theo).

Kế hoạch thu hồi đất năm 2024: (Chi tiết theo Phụ lục III kèm theo).

Kế hoạch đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng năm 2024: (Chi tiết theo Phụ lục IV kèm theo).

Căn cứ Điều 1 Quyết định này UBND huyện Tuy Đức có trách nhiệm:

Tổ chức công bố công khai Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 theo quy định tại Điều 48 Luật Đất đai năm 2013 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; việc tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất, chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện Tuy Đức.

Xác định vị trí, ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất (đất có rừng tự nhiên) cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.

Thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, tuân thủ đúng các quy định pháp luật có liên quan và đảm bảo theo các chỉ tiêu sử dụng đất được phê duyệt trong kế hoạch sử dụng đất.

Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai để người sử dụng đất nắm vững các quy định của pháp luật, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Quản lý, sử dụng đất theo đúng kế hoạch sử dụng đất, nhất là khu vực chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất. Khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang hóa đất đã giao, cho thuê. Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với trường hợp sử dụng đất vi phạm trong thực hiện kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất đối với các trường hợp không có trong kế hoạch sử dụng đất; kiểm tra xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật đất đai và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Đối với các vị trí, công trình, dự án chưa phù hợp, thống nhất giữa Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 và Quy hoạch chung xây dựng thị trấn huyện lỵ huyện Tuy Đức đã được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt tại Quyết định số 940/QĐ-UBND ngày 17/7/2008, UBND huyện Tuy Đức chỉ được triển khai thực hiện các công trình, dự án sau khi đã điều chỉnh hoặc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thị trấn huyện lỵ huyện Tuy Đức phù hợp với Kế hoạch sử dụng đất năm 2024.

Đối với các vị trí, công trình, dự án nằm trong Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023, UBND huyện Tuy Đức chỉ được triển khai thực hiện các công trình, dự án sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với các dự án nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1277/QĐ-TTg ngày 01/11/2023 UBND huyện Tuy Đức chỉ được triển khai dự án khi tuân thủ theo Điều 8, Điều 9 Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ và Công văn số 7002/UBND-NNTNMT ngày 15/11/2023 của UBND tỉnh về về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1277 / QĐ -TTg ngày 01/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất hàng năm các huyện, thành phố Gia Nghĩa, UBND huyện Tuy Đức và Đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh đối với các nội dung đề xuất tại Điều 1 Quyết định này.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh

Ngày 07/03/2024, UBND tỉnh hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2024 và những năm tiếp theo.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông yêu cầu các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân nhân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan quán triệt và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như sau:

Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan:

Tiếp tục duy trì quyết tâm chính trị cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06/CP tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực hàng tuần, hàng tháng và công bố cụ thể kết quả, tiện ích người dân, doanh nghiệp được hưởng. Khẩn trương khắc phục những nhiệm vụ chậm tiến độ đã đề ra…

Giao Công an tỉnh:

Triển khai các Kế hoạch và yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công an trong việc tuyên truyền, tổ chức các hội thảo, trao d hat oi cung cấp thông tin về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ xác thực điện tử quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9 / 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử và theo văn bản hướng dẫn của Bộ Công an.

Triển khai thực hiện cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID, đặc biệt là quản lý xã hội như tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng...; tích hợp ứng dụng VNeID với các dịch vụ cho người dân như dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, tiện ích cho đối tượng yếu thế...

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai các mô hình, giải pháp ứng dụng tiện ích từ nền tảng CSDL quốc gia về dân cư, Căn cước công dân (CCCD) và định danh điện tử để đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP và thực hiện lộ trình theo Kế hoạch đã ban hành.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai Luật Căn cước năm 2023 và thực hiện cấp CCCD cho công dân trên địa bản, nhất là công tác cấp CCCD cho công dân dưới 14 tuổi theo quy định của Luật Căn cước năm 2023.

Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh góp ý xây dựng Nghị định quy định danh mục CSDL quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì, và khai thác, sử dụng CSDL quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019 /NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Viễn thông năm 2023, trong đó nghiên cứu, bổ sung quy định sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân để đăng ký thuê bao, thực hiện sau khi có hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình tại Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai, hoàn thiện Kho lưu trữ điện tử theo quy định tại Khoản 10 Điều 23 Thông tư số 1/2023/TT -VPCP để lưu giữ dữ liệu giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra định kỳ hằng năm, đột xuất đối với các hệ thống thông tin, nền tảng chung phục vụ kết nối, triển khai Đề án 06/CP theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 20 Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ (đối với hệ thống thông tin tại địa phương).

Ban hành Danh mục Quyết định của UBND tỉnh quy định chi tiết các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ sáu

Ngày 08/03/2024, UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 240/QĐ-UBND Danh mục Quyết định của UBND tỉnh quy định chi tiết các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ sáu.

UBND tỉnh yêu cầu:

Công an tỉnh, Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì soạn thảo văn bản, trực tiếp chỉ đạo, tập trung ưu tiên, bố trí nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu, soạn thảo bảo đảm chất lượng, tiến độ được giao theo Quyết định này; có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan.

Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện trách nhiệm được giao theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) và các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan; kịp thời tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có).

N.N

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Đắk Nông 28° - 30° icon
image
imageimage
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1